Làm hồ trăm tỷ chống hạn mặn: Khó giải quyết dứt điểm

Nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây hồ chưa nước ngọt chống hạn mặn chỉ là giải pháp tình thế.

Ngày 7/3/2020, GS.TS Nguyễn Tất Đắc - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam bày tỏ sự lo lắng với Đất Việt về tình trạng hạn mặn đang diễn ra tại khu vực miền Tây Nam Bộ.

Ông Đắc cho biết, hiện nay tình trạng hạn mặn đang diễn ra phổ biến tại hầu hết các tỉnh ở khu vực này, một trong những giải pháp đầu tiên được các tỉnh đưa ra là xây các hồ chứa nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, canh tác của người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, với tình trạng xâm mặn ở cả mạch nước ngầm nên việc xây hồ chứa nước ngọt chỉ là giải pháp tình thế ban đầu nên về lâu dài cần có những biện pháp khác để khắc phục.

"Hồ nước chứa nước ngọt cũng chỉ được khoảng vài ba năm. Bởi nếu như mạch nước ngầm cũng bị nhiễm mặn thì sau này các hồ chứa nước ngọt đó cũng bị mặn hóa. Hoặc tình trạng hạn hán kéo dài thì những hồ nước ngọt đó cũng không có nguồn nước để mà dự trữ" - ông Đắc cho biết.

Tình trạng hạn mặn ở miền Tây Nam Bộ đang khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

Tình trạng hạn mặn ở miền Tây Nam Bộ đang khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

Theo vị chuyên gia này, hiện nhiều ý kiến về việc giải quyết tình trạng hạn mặn tại khu vực miền Tây Nam Bộ đã được đưa ra nhưng chưa có phương án nào khả thi cho việc giải quyết dứt điểm vấn đề.

"Cũng có những ý kiến cho rằng người dân cần phải thay đổi mùa vụ canh tác, chủ yếu trồng cấy vào mùa mưa, đến mùa khô thì hạn chế hơn. Bên cạnh đó cần phải thông kênh rạch để trữ nước ngọt ở nhiều khu vực nhất có thể. Nhưng bây giờ nước ngọt ở thượng lưu đổ về rất hạn chế.

Ở một số nước trên thế giới, họ thực hiện việc bổ cập nhân tạo, xây dựng một số ống nước bơm nước ngọt vào mạch nước ngầm. Nhưng đối với khu vực miền Tây Nam Bộ thì chưa đủ kỹ thuật để thực hiện điều này. Mà nếu có thực hiện thì cũng phải tính toán cụ thể xem bơm ở vị trí nào để đạt được hiệu quả tốt nhất" - GS.TS Nguyễn Tất Đắc cho biết.

Cùng bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, góp ý: Trước tiên người dân phải theo dõi dự báo xâm nhập mặn và không tùy tiện lấy nước ngọt mà phải canh triều.

Bởi độ mặn trong kênh, rạch không giữ cố định mà thay đổi theo con nước. Nhà vườn nên canh lúc nước ròng để lấy nước ngọt, vì lúc này nước biển xuống thấp nhất, đó là cơ hội để nước ngọt và đẩy mặn lùi ra biển.

Người dân cũng lưu ý không nên sử dụng nước giếng khoan để tưới, dành nguồn nước quý này cho sinh hoạt. Cạnh đó cần phụ chất điều hòa sinh trưởng và bón phân để làm tăng khả năng hấp thụ nước và bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.

Theo ông Vệ, trước tình trạng hạn mặn như hiện nay, chúng ta cần phải có những giải pháp kịp thời và khoa học. Theo đó, người dân cần phải thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của địa phương về thời điểm xuống giống vụ hè thu để cây lúa phát triển được tốt nhất. Sử dụng giống lúa chịu mặn tốt nhất.

Tiếp theo là gia cố cống đập, đê bao và bờ bao ngăn mặn, trữ nước ngọt..., đặc biệt là ngăn chặn thất thoát nước. Lục bình, bèo, cỏ dại trong mương vườn sẽ làm gia tăng lượng nước bị mất, cần phải được làm sạch. cùng đó là phủ nylon hay màng phủ nông nghiệp lên mặt nước để giảm bốc hơi.

Vườn canh tác phải được phủ bằng những vật liệu có sẵn tại địa phương như rơm rạ, lá dừa, lá mía..., có thể dùng nylon hay màng phủ nông nghiệp trải lên mặt đất. Cuối cùng là cần tỉa bỏ những lá nằm khuất trong tán quang hợp kém để giảm lượng nước mất do thoát hơi.

Một năm sông Mekong cung cấp khoảng 475 tỉ m3, chúng ta chỉ xài khoảng 50 tỉ và trên thượng nguồn sử dụng khoảng 100 tỉ, lượng nước dư thừa rất lớn nhưng chúng ta không trữ mà để chảy ra biển một cách lãng phí.

“Điều quan trọng là các giải pháp, công trình phải thực hiện một cách đồng bộ giữa các địa phương với nhau, để khi có hạn, mặn hay lũ thì phát huy ngay tác dụng và công trình phải đảm bảo môi trường” - vị chuyên gia nói.

Khánh Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-ho-tram-ty-chong-han-man-kho-giai-quyet-dut-diem-3398162/