Lâm Hà - một góc nhìn

Có một cách nghĩ, cách nói quen thuộc về mối quan hệ gắn bó giữa Hà Nội và huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng mà tiền thân là Vùng Kinh tế mới Hà Nội. Chúng ta hay nói, có một Hà Nội trên đất Tây Nguyên, Lâm Hà là huyện thứ 31 của Thủ đô.

Nghĩa tình đậm sâu

Thông thường, nói đến mối quan hệ giữa Hà Nội với Lâm Hà là nói đến những gì TP cũng như các quận, huyện của Hà Nội hỗ trợ cho Lâm Hà, cũng là hỗ trợ cho những người đi khai phá miền đất mới. Điều ấy là vô cùng đáng quý, người Lâm Hà hôm nay vẫn luôn ghi nhớ điều đó.

Từ lãnh đạo huyện, cán bộ xã cho đến mỗi người dân đều tự hào khoe với khách phương xa: Quảng trường này, nhà thi đấu kia, trường học nọ, trạm y tế ấy… là của Hà Nội giúp đỡ xây dựng. Lòng tự hào, niềm biết ơn ấy được thể hiện trong đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Tài, người đã gắn bó hơn 30 năm với mảnh đất này.

“Sự phát triển của Lâm Hà có sự tiếp sức không nhỏ từ phía Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội. Với nguồn vốn trung bình 70 - 80 tỷ đồng mỗi năm, sự hỗ trợ của Hà Nội là điều kiện để cơ sở hạ tầng của Lâm Hà ngày càng được hoàn thiện. Đó cũng là sợi dây gắn kết vô cùng chặt chẽ, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Lâm Hà với các quận huyện của Hà Nội” - ông Nguyễn Đức Tài khẳng định.

 Sản xuất nông nghiệp tại Lâm Hà. Ảnh: Ngọc Ngà

Sản xuất nông nghiệp tại Lâm Hà. Ảnh: Ngọc Ngà

Tuy nhiên, là người ít nhiều gắn bó với vùng đất này, tôi hay nghĩ về mối quan hệ của Hà Nội với Lâm Hà hôm nay và Vùng Kinh tế mới Hà Nội xưa dưới một góc độ khác. Sự hỗ trợ đầy nghĩa tình và hiệu quả với Lâm Hà của Hà Nội là điều đã được khẳng định. Nhưng liệu có cần nhắc đến, ghi nhận sự đóng góp của Lâm Hà, của Vùng Kinh tế mới với Hà Nội? Câu trả lời là có, chắc chắn có, nếu ngược lại lịch sử gần nửa thế kỷ trước, khi những người Hà Nội đầu tiên đặt chân đến nơi này. Chừng ấy năm chưa phải là dài nhưng cũng không còn là quá ngắn. Những nỗ lực, cố gắng, mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhiều lớp người Hà Nội trên đất này xứng đáng được ghi vào biên niên sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 1976 đến năm 1977, bàn tay, khối óc, mồ hôi và cả máu của những cán bộ, thanh niên Hà Nội đã biến một vùng đất cao nguyên còn đầy bom đạn, nơi tàn quân Fulro vẫn lén lút hoạt động… thành một Vùng Kinh tế mới với 5.060ha đất được khai hoang, 5.141 căn nhà, 1.285 giếng nước được xây dựng, để những địa danh mới Nam Ban, Tân Hà, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng… xuất hiện trên bản đồ và đến năm 1987, hợp vào với những Đinh Văn, Tân Văn, Đạ Đờn, Phi Tô, Phú Sơn.. mà thành huyện mới mang cái tên đầy nghĩa tình Lâm Hà.

Không chỉ trụ lại nơi mảnh đất này, biến nó thành một vùng đất trù phú của dâu tằm, chè, cà phê và nay là rau hoa công nghệ cao, người Hà Nội với nết hay lam hay làm và tấm lòng hướng về quê hương còn góp phần lưu giữ và phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Hà Nội trên đất cao nguyên. Đến Lâm Hà là đến với những địa danh thân quen Hoàn Kiếm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng… Cũng là đến với những nền nếp, lề thói bao đời của người phố, người quê đất Tràng An cùng một vùng văn hóa xứ Đoài.

Làm dày văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Thông thường, trong những chuyến đi dài ngày ở vùng đất cao nguyên, bao giờ tôi cũng dành ít thời gian để đến Lâm Hà như là một chuyến về quê, về với một vùng kỷ niệm thân quen mà giờ khó thấy ở nơi tôi đang sinh sống, Hà Nội. Sau những ngày rong ruổi trên đất phương Nam, với những bữa ăn đa phần không hợp khẩu vị, khi về Lâm Hà lại được thưởng thức những món ăn đậm chất miền Bắc.

Để sau một tối hơi quá chén với rượu Cát Quế trong vắt, sủi tăm mắt cua được gọi một cách đầy thi vị là “nước mắt quê hương”, sáng sau lót dạ bằng đĩa bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang với miếng chả nóng hổi, nước chấm pha khéo hay bát bún riêu cua mà không kèm với bò tái…, nghĩa là những món ăn thuần chất của Hà Nội vài mươi năm trước.

Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban Hoàng Ngọc Trọng, quê gốc Kim Nỗ, Đông Anh trăn trở: Năm 2020 - Canh Tý này, Nam Ban làm gì đây để cùng Lâm Hà, Hà Nội góp phần kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội? Một ý tưởng đã được lãnh đạo và người dân nơi đây ấp ủ là tạo tác một phiên bản của hồ Hoàn Kiếm giữa vùng đất này, với điểm nhấn là công trình mô phỏng Tháp Rùa… Việc làm này thể hiện tấm lòng hướng về Hà Nội, hướng về Thủ đô ngàn năm văn hiến mà Lâm Hà, Nam Ban được coi như một phần không thể tách rời.

Lần mới đây nhất, cuối năm Kỷ Hợi, tôi về Lâm Hà, về với Đinh Văn, Nam Ban, Tân Hà, Gia Lâm, Phúc Thọ… sau một chuyến đi dài ngày ở Tây Nguyên. Chẳng công to việc lớn gì, chỉ là, như lời Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài, về chơi, xem bà con chuẩn bị đón năm mới Canh Tý thế nào.

Khác với nhiều vùng đất ở Phương Nam, do đặc điểm về thời tiết, khí hậu cũng như kinh tế - xã hội, Tết Nguyên đán không còn quá quan trọng, thì ở Lâm Hà, vùng đất được coi là Hà Nội giữa lòng Tây Nguyên Tết vẫn vẹn nguyên ý nghĩa truyền thống, là một dịp sum họp của mọi nhà. Tết đã có thể thấy từ những vườn đào Nhật Tân trên đất Nam Ban, nơi có đến 90% cư dân là người gốc Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban Hoàng Ngọc Trọng đưa chúng tôi thăm vườn đào của gia đình anh Lâm, chị Nga. Hai vợ chồng đều là giáo viên, mỗi người là Hiệu trưởng một trường PTCS của thị trấn, việc trồng đào với họ không chỉ là sinh kế, mà như một niềm đam mê. Năm 1996, lần đầu tiên theo nghiệp làm đào, Lâm đã khăn gói ra tận quê Nhật Tân, Phú Thượng học nghề. Giờ thì vườn đào của vợ chồng anh đã có ngót trăm gốc. Có những gốc đào được trả giá hàng chục triệu đồng mà không nỡ bán.

Trồng đào, xây chùa và tạo tác cả một phiên bản hồ Hoàn Kiếm trên đất mới, đó là những gì người Hà Nội trên đất Lâm Hà nói chung và Nam Ban nói riêng hướng về quê hương bản quán, cùng nhau góp phần gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Hà Nội xưa và nay.

Trong buổi sáng cuối năm nắng vàng như mật trên đất Lâm Hà ấy, ngắm vườn đào đang độ tích nhựa, tôi lại nghĩ đến thời điểm chuyển giao năm cũ năm mới, khi mà nhà nhà, người người chuẩn bị đón Xuân, khi các bà các cô ở phố cổ Hà Nội ra lễ chùa Cầu Đông thì người vùng đất mới Lâm Hà, Nam Ban… cũng tới lễ Phật nơi chùa Linh Ẩn bên thác Voi kỳ vĩ mà cầu mong một năm mới tốt lành. Cũng là nét Xuân Hà Nội đất cao nguyên…

Mùa Đông 2019

Việt Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lam-ha-mot-goc-nhin-362173.html