Làm giàu từ thay đổi cách nghĩ, cách làm

Những năm gần đây, vào thời điểm đầu năm mới là dịp vui nhất của đồng bào các dân tộc ở thôn vùng cao Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đó là khi những vườn quýt sai trĩu quả, chín vàng, những chuyến xe từ khắp mọi nơi về thu mua quýt cho đồng bào... Cây quýt đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nơi đây, nhiều gia đình trồng quýt còn trở nên giàu có trên mảnh đất biên cương.

Nhiều hộ dân ở thôn Chúng Chải B có thu nhập cao từ trồng quýt. Ảnh: Trung Nguyên

Nhiều hộ dân ở thôn Chúng Chải B có thu nhập cao từ trồng quýt. Ảnh: Trung Nguyên

Đặt chân đến thôn Chúng Chải B, nơi được mệnh danh là "thủ phủ quýt" của thị trấn Mường Khương, chúng tôi như lạc vào giữa một không gian vàng rực của những trái quýt đã đến ngày thu hái. Không khí nhộn nhịp, tiếng cười nói râm ran của những người nông dân thu hái quýt cùng những chùm quả căng mọng, trĩu cành như minh chứng cho một cuộc sống no ấm đang hiện hữu nơi đây.

Đại úy Nguyễn Văn Hữu, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mường Khương, Đồn Biên phòng Mường Khương, BĐBP Lào Cai đưa chúng tôi đến thăm mô hình trồng quýt của gia đình anh Sền Pờ Diu (dân tộc Pa Dí), một trong những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình trồng quýt trên diện tích lớn ở địa bàn huyện Mường Khương. Anh Sền Pờ Diu vừa hồ hởi trò chuyện, vừa dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ vườn quýt của gia đình.

Anh Diu chia sẻ, trước đây, gia đình anh chỉ trồng lúa, trồng ngô và nấu rượu nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao, cuộc sống lúc đó gặp nhiều vất vả, khó khăn. Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, năm 2004, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cụ thể bằng việc đưa vài trăm gốc quýt về trồng. Sau 3 năm dày công chăm sóc, cây đã bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên nhưng hiệu quả không cao, vì kỹ thuật chăm sóc chưa tốt. Dù vậy, anh Diu vẫn không nản lòng và tiếp tục tìm tòi học hỏi về kỹ thuật chăm sóc quýt.

Qua vài mùa vừa làm vừa học, vừa thử nghiệm, từ năm 2010 đến nay, vườn quýt của anh Diu đã cho thu hoạch ổn định với chất lượng tốt và sản lượng cao. Hiện tại, diện tích trồng quýt của gia đình anh Diu lên tới 3ha, với 6.000 gốc quýt, trong đó, 2.000 gốc đang cho thu hoạch. Mỗi vụ, nương quýt cho thu hoạch trung bình 20 tấn quả, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về từ 300 đến 400 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chất lượng hoa quả sạch hiện nay luôn được người tiêu dùng quan tâm, bởi vậy, anh Diu đặc biệt chú trọng tới chất lượng của sản phẩm mà gia đình anh làm ra. Được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông huyện Mường Khương, anh Diu đã chủ động học hỏi và đi đầu trong thực hiện quy trình trồng quýt sạch theo tiêu chuẩn VietGap, sau đó chia sẻ với bà con trong thôn. Trái quýt thơm ngon, không có thuốc kích thích tăng trưởng hay chất bảo quản nên quýt của gia đình anh luôn được khách hàng ưa chuộng.

Dù đang bận thu hoạch quýt cho khách, nhưng chị Pờ Thị Sen (vợ anh Sền Pờ Diu) vẫn vui vẻ nói với tôi: “Chú cứ ăn thử đi, đừng lo, quýt bà con ở đây trồng không phun thuốc trừ sâu đâu. Cán bộ khuyến nông tuyên truyền rồi, muốn bán được hàng thì phải sản xuất quýt sạch”. Chị Sen chia sẻ, mỗi năm, vào mùa thu hoạch, chị thường bỏ mối cho khách quen đến từ huyện Mường Khương, thành phố Lào Cai, thậm chí cả khách buôn đến từ Hà Nội. Khách đến mua tại vườn có thể tự tay chọn từng quả trên cây, dùng kéo cắt và gùi đi.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến, nhưng chỉ đến gần đây, khi quả quýt của gia đình chị được đưa lên mạng xã hội, việc bán hàng đã trở nên dễ dàng hơn. “Qua mạng xã hội zalo, facebook, mình có thể quảng bá sản phẩm của mình đến gần hơn với khách hàng. Mình chụp ảnh quýt rồi đăng trên mạng là khách hàng ở gần xa đều biết đến. Tính đến giờ, vườn nhà mình cũng phải bán được hơn 7 tấn quýt qua mạng rồi. Có ngày, nhiều đơn đặt hàng, hai vợ chồng cùng người phụ việc phải luôn tay luôn chân dẫn khách đi xem vườn, thu hoạch quýt gửi cho khách không xuể" - Chị Sen vui vẻ cho biết.

Ông Pờ Chín Hải, Trưởng thôn Chúng Chải B cho biết: “Hiện tại, thôn Chúng Chải có 37 hộ đều trồng quýt, nhà ít thì vài trăm cây, nhà nhiều thì vài nghìn cây. Nhờ chuyên canh cây quýt, bà con ở Chúng Chải B đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 35 triệu đồng/năm”.

Có được thu nhập cao từ cây quýt, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong thôn Chúng Chải B thay đổi rõ rệt. Từ một thôn có nhiều hộ đói nghèo, đến nay, Chúng Chải B đã trở thành thôn khá và giàu, 100% hộ dân mua được xe máy làm phương tiện đi lại và vận chuyển quýt, nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh...

Những ngôi nhà khang trang, kiên cố với nhiều tiện nghi hiện đại ngày mọc lên một nhiều, đó chính là kết quả từ mô hình phát triển kinh tế đúng đắn của bà con nơi đây. Chuyện xóa nghèo thiết thực, hiệu quả ở thôn Chúng Chải B là minh chứng rõ nét về quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Trung Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lam-giau-tu-thay-doi-cach-nghi-cach-lam/