Làm giàu từ nuôi thỏ

Cách đây 10 năm khi anh Phạm Viết Cao (nông dân xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà), lựa chọn mô hình nuôi thỏ để phát triển kinh tế, thời điểm hầu hết các thực khách đều chưa biết đến những món ăn chế biến từ nguyên liệu này, ai cũng nói anh liều, làm kinh tế một cách cảm tính. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay, đàn thỏ thường trực đạt trên 1.000 con luôn mang về cho anh nguồn thu khoảng 300 triệu đồng/năm.

Nông dân Phạm Viết Cao với mô hình nuôi thỏ của mình.

Nông dân Phạm Viết Cao với mô hình nuôi thỏ của mình.

Vốn là mô hình mới, trong khu vực huyện Đầm Hà chưa có tiền lệ, khỏi phải nói những ngày khởi đầu nuôi thỏ của anh Phạm Viết Cao vất vả thế nào. Từ việc nhập giống đến quy trình chăm sóc, chuẩn bị nguồn dinh dưỡng, cho ăn, tiêm phòng bệnh đến việc phối giống, khám sức khỏe sinh sản của thỏ… anh Cao đều phải mày mò, tự học hỏi. Và tất nhiên, đã có không ít đàn thỏ bị xóa sổ do nuôi sai cách.

Anh Cao tâm sự: Sinh ra và lớn lên từ đồng ruộng, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt bao giờ cũng thân thuộc với mình nhất, sẽ là công việc mà khả năng của mình làm tốt nhất. Từ sự tự tin này tôi trải nghiệm qua nhiều mô hình sản xuất như nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê, thỏ... Đến thời điểm này, nuôi thỏ lấy thịt thương phẩm và nuôi thỏ lấy giống chính là mô hình thành công nhất.

Yếu tố mấu chốt làm nên thành công của anh Cao chính là thất bại không nản. Thay vào đó, hết lần này đến lần khác anh đều kiên trì thực hiện, ghi chép, so sánh, tự rút ra bài học, kinh nghiệm, từ đó tự hình thành kỹ năng chăn nuôi thỏ cho mình. Giờ thì có thể nói anh Cao hiểu ngọn ngành tập tính, phát triển thể chất, sinh sản của con thỏ. Việc này đủ đảm bảo cho đàn thỏ của anh không chỉ khỏe mạnh, lớn nhanh, sức sinh sản tốt, mà còn đạt chất lượng thịt thương phẩm, chất lượng thỏ giống tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đàn thỏ của anh Cao thường trực trên 1.000 con, trị giá xuất bán đạt trên dưới 30 triệu đồng/tháng.

Từ chất lượng sản phẩm thỏ tốt, đã giúp anh Cao có đầu ra rộng và ổn định. Hiện anh ký hợp đồng cung ứng thỏ thịt cho các nhà hàng, bếp ăn trên địa bàn huyện Đầm Hà. Anh còn liên kết với khoảng 7 trại nuôi thỏ lớn trên toàn tỉnh để đảm bảo nguồn hàng khi khan hiếm, cũng như hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, anh Cao phát triển mảng đại lý thức ăn cho thỏ trong toàn tỉnh. Mỗi tháng anh tiêu thụ được 13 tấn thức ăn cho thỏ, đây là loại cám đặc thù, giúp con thỏ đạt trọng lượng, chất lượng tiêu chuẩn khi xuất bán.

Do đã nắm chắc quy trình nuôi thỏ, dẫn đến không mất nhiều thời gian, nên hiện anh Cao còn kết hợp mô hình nuôi dê lấy thịt, dê sinh sản, cũng đang cho hiệu quả tương đối tốt. Tính tổng giá trị từ đàn thỏ, việc cung ứng thức ăn thỏ và đàn dê, đã mang về cho anh Phạm Viết Cao từ 300-500 triệu đồng mỗi năm, giúp anh trở thành gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã Quảng Tân.

Anh Phạm Viết Cao kết hợp mô hình nuôi dê sinh sản, mang lại giá trị cao.

Anh Cao cho rằng con thỏ sẽ còn đạt giá trị cao hơn, bởi sức tiêu dùng trên thị trường ngày càng cao, các món ăn được chế biến từ thỏ đa dạng, phong phú, thẩm mỹ hơn... Chính bởi vậy, ý tưởng của anh Phạm Viết Cao trong thời gian tới là mở rộng quy mô đàn thỏ, tập trung vào con thỏ lấy thịt thương phẩm, từ đó tăng thu nhập, nâng cao lợi nhuận.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202103/lam-giau-tu-nuoi-tho-2524915/