Làm giàu từ những cây cam

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất mà thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào biển đảo, thế nhưng với sự cần mẫn, kiên trì, chịu khó và biết vận dụng cách làm mới, anh Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đã vươn lên làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo Vạn Yên.

Anh Hậu và vườn cam đang cho thu hoạch.

Anh Hậu và vườn cam đang cho thu hoạch.

Vào nghề trồng cam như cái duyên

Con đường nhỏ men theo bờ biển gần 20 km từ thị trấn Cái Rồng dần đưa chúng tôi tới thôn Cái Bầu. Nơi có nông trại cam của anh Trần Văn Hậu - một người trồng cam có tiếng ở đất Vân Đồn về tinh thần vượt khó đi lên, làm giàu từ hai bàn tay trắng, đồng thời là Giám đốc HTX Nông trại Vạn Yên.

Anh Hậu cho biết, trước khi đến với nghề trồng cam, anh vốn là công nhân cơ khí Cẩm Phả, nhưng sau nhiều năm “bán sức cầu mưu”, lương vẫn chỉ ba cọc, ba đồng, không đủ sống. Tài sản của vợ chồng anh chỉ là căn nhà nhỏ. Sau suy đi tính lại thấy không có tương lai, nên đã quyết định xin nghỉ về nhà kiếm sống. Ban đầu anh chạy xe tải, sau chuyển sang taxi, rồi... đủ nghề. Ngày đêm đầu tắt mặt tối nhưng cũng chỉ đủ ăn. Chỉ đến khi trên tivi người ta nói trong miền Nam họ làm trang trại nọ, trang trại kia và rất phát triển. Lúc này anh mới tự nhủ: sao mình lại không thử? khi nghề trồng cam ở địa phương đã có từ lâu đời, rất cần phát triển nó thành hàng hóa. Vì thế, anh quyết định bắt đầu tìm hiểu để tính chuyện làm vườn.

“Lúc đầu cũng rất lo, vì mình chẳng có một chút kinh nghiệm nào cả, chỉ biết làm nông nghiệp thuần túy, chưa biết vườn trại là gì cả, nếu trồng thì cần những tiêu chí gì... Những điều này cứ khiến tôi trăn trở mãi! Sau đánh liều, tôi bảo kệ cứ làm, vợ lúc đó lương giáo viên thấp, không làm cũng chẳng có cơ hội gì, vì dù có quay lại chạy ôtô cũng không ăn thua” - a Hậu hồi tưởng lại. Đó là lý do đã thôi thúc anh Hậu quyết tâm cải tạo vùng đồi để trồng cam. Năm 1997 anh trồng thử 1ha cam xen lẫn nhãn và vải. Đến tháng 5/1998 thì thêm 1ha nữa. Dần dần thấy cam phát triển và cho thu hoạch tốt, giá cam trên thị trường cũng tăng theo cấp số nhân, từ 3.000 đồng, sau đến 8.000, rồi 12.000..., nên anh đã quyết định bỏ nhãn và vải, chuyển hẳn sang mở rộng trồng cam chuyên canh.

Dù vậy, những ngày đầu đến với cam, anh Hậu cũng gặp không ít trở ngại. “Các nhà khoa học ở đây bảo đất này không hợp với cam, nếu trồng sẽ đổ bệnh mà chết, giống cam này gặp hơi biển là tiệt chủng,... họ tìm mọi cách “cản” không cho tôi trồng, thậm chí có người còn ra mặt phản đối: trồng sẽ thất bại!” - anh Hậu tâm sự. Áp lực là vậy, nhưng không vì thế mà nản lòng, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, anh Hậu đã tìm ra đặc điểm cây đói ăn, đói nước. Sở dĩ có hiện tượng này là do nắng hút nước, làm cho đất trở nên khô và nhẹ. Khi cây bắt đầu sinh trưởng thì đất cằn, cây thiếu ăn, gặp gió bão là đổ bệnh... Và anh đã tìm cách khắc chế. Song song với kết quả này, anh Hậu còn tìm ra những ưu điểm của vùng đất, như mạch nước ngầm trong núi có chất lượng tốt, nên đã cho xây bể khối lượng lớn trên đồi để cung cấp cho vùng cam. Kết quả là, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, đến nay cây vẫn sinh trưởng tốt. Hiện cả rừng cam 4.500 gốc nằm dọc theo dãy đồi đất dốc trên 9,5 ha đang tươi tốt và cho năng suất cao. Chỉ tính riềng từ năm 2013 đến nay, mỗi năm cũng thu về cho anh khoảng 30 - 50 tấn cam quả, với doanh thu lên tới hàng tỷ đồng.

Theo anh Hậu, có được vườn cam như hôm nay anh đã phải bỏ bao nhiêu công sức, từ cải tạo đất, học kỹ thuật chăm sóc, bón phân, đến tỉa cành... để cam có chất lượng thơm, ngon. “Trồng cây nào cũng thế, không biết cách chăm sóc thì chất lượng quả sẽ không tốt. Cây cam cũng vậy, từ cách cắt hái quả cam, nếu không đúng kỹ thuật, vụ sau cam sẽ không cho quả, nên khi thu hoạch cam, nếu không biết cách tỉa cành, cuốc gốc và bón phân đúng thời điểm, thì chỉ tốt cây chứ không sai quả” -anh Hậu thổ lộ.

Có chí... thì giàu

Sau hơn 20 năm bươn trải với nông trại, trải qua biết bao nhọc nhằn, giờ nhìn những đồi cam của anh Hậu thì thấy, anh không chỉ sở hữu một gia trại đáng nể: nhà lầu, xe hơi... đủ cả, cùng hàng tỷ đồng thu về từ cam, mà anh còn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Khi được hỏi về bí quyết trồng cam, anh Hậu cười nói: có chí... thì giàu! Anh cho biết, cây cam có tuổi thọ trung bình ít nhất 20 năm, sau 4 năm chăm sóc thì thu hoạch. Chẳng hạn 1ha cam đầu tiên anh trồng năm 1997 thì đến năm 2001 mới được thu hoạch. Sau đó, lượng quả cứ tăng 1 gấp 2, vì cây tăng trưởng tốt. “Nếu đem thời giá hiện nay 27.000kg nhân với 1.000 gốc đang thu hoạch (50kg/gốc x 1.000 gốc = 50 tấn cam) thì mỗi năm sau khi trừ chi phí (200 triệu đồng/2ha) tôi cũng thu được hơn 1 tỷ đồng” - anh Hậu tính toán. Đó chỉ là hiện tại, còn đến năm 2019 -2020, khi có thêm 3.500 cây nữa ồ ạt cho thu quả, thì hàng năm chí ít cũng thu về từ 150 - 200 tấn cam, tương đương khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Theo kinh nghiệm của anh Hậu, để người làm vườn không bị rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thì ngoài việc trồng cam theo mô hình chuẩn VietGAP, người làm vườn nên trồng nhiều loại cam khác nhau để tránh rủi ro. Đó cũng là lý do ngoài cam địa phương (cam đường, cam sành, cam giấy), anh còn trồng cả các giống cam khác, như V2, Đường Canh, Vinh, xã Đoài... Các loại cam này chín vào các thời điểm khác nhau, giúp người trồng có nhiều thời gian thu hoạch hơn, bán được nhiều hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, vì không phải thu hoạch một lúc rồi bán dồn, bán ép hay bị mất giá. Kinh nghiệm này không chỉ được anh Hậu truyền lại cho 22 xã viên của mình (HTX Nông trại Vạn Yên), mà anh còn chia sẻ cho cả bà con trong xã, thế nên người trồng cam ở Vạn Yên rất yên tâm với nghề trồng cam.

Dù vậy, trước khi chia tay, anh Hậu vẫn tỏ ra trăn trở với thị trường tiêu thụ trong tương lai, vì chỉ chừng 2 năm nữa, những đồi cam ở đây sẽ đồng loạt cho thu quả (chỉ riêng anh Hậu cũng khoảng 200 tấn), trong khi thị trường tiêu thụ của cam Vạn Yên hiện vẫn chủ yếu trên địa bàn tỉnh, xuất ra rất ít, nên thời gian tới rất cần có sự hợp tác của các DN trong và ngoài nước để mở rộng thị trường. Qua đó, góp phần đưa thương hiệu cam Vạn Yên vươn xa. Đó cũng là những nỗi niềm trăn trở của người trồng cam Vạn Yên khi mùa bội thu đã tới - Cam ngày Xuân!.

KIÊN VIỆT

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/lam-giau-tu-nhung-cay-cam-d89907.html