Làm giàu từ mô hình trồng phong lan

Phong trào 'Thanh niên học tập và làm theo lời Bác' đã đi vào đời sống và lan tỏa đến đông đảo đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Quốc Oai. Từ đây, nhiều tấm gương trẻ của huyện đã trở thành chủ nhân của những mô hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi của địa phương, trong đó có Nguyễn Văn Công (sinh năm 1991), thôn Đại Tảo, xã Đại Thành.

Cùng với đoàn khảo sát của Hội nhà báo Thành phố Hà Nội đến thăm vườn phong lan của anh Nguyễn Văn Công trong một buổi sáng tháng 5, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những giò lan rực rỡ được treo ở khắp mọi nơi, tỏa hương thơm ngát. Anh Nguyễn Văn Công đang khéo léo, tỉ mỉ xếp từng giò lan để vào thùng giấy trước khi chuyển đến tay khách hàng.

Anh Nguyễn Văn Công giới thiệu các giống hoa lan ở vườn.

Anh Nguyễn Văn Công giới thiệu các giống hoa lan ở vườn.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Công cho biết, bản thân anh được sinh ra trong gia đình có truyền thống nhân ghép cây giống, nên từ nhỏ anh đã yêu thích các loài cây và đặc biệt trong đó có cây hoa phong lan. Vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học giao thông vận tải, không như những thanh niên khác là tìm việc làm bằng chính nghề được học tại trường, anh Công quay trở về nhà để bắt tay vào sự nghiệp trồng hoa phong lan.

“Thời gian đầu khi mới vào nghề mình còn khá lúng túng, nhất là việc phân loại các giống hoa lan, bởi mỗi loại cần kỹ thuật chăm sóc khác nhau mà lan thì có nhiều chủng loại. Chỉ nhớ tên của chúng thôi, mình cũng mất cả đêm để học” – anh Công tâm sự.

Cũng nhờ có internet, anh Công đã có một kho tàng vô tận về kiến thức, kinh nghiệm. Tích lũy hàng ngày, sau hơn 2 năm, anh Công đã trở nên thuần thục kỹ thuật chăm sóc của từng loại lan.

Khi đã có được kiến thức và kỹ thuật chăm sóc anh Công bắt đầu tìm và nhập các giống lan rừng ở các vùng miền, từ lan rừng ở trong nước, rừng Lào, rừng Campuchia…

“Cây lan ban đầu nhập về được xử lý bằng thuốc chống nấm, ngâm rễ và lá vào thuốc để chống khuẩn, sau đó treo lên giàn để khô rồi tiến hành làm giá thể để ghép lan. Giá thể thường là lũa hoặc gỗ nhãn. Thời gian đầu cần tránh mưa cho lan để cây không bị thối. Trong 1 đến 2 năm đầu là thời gian chăm sóc cây lan khó nhất vì cây chưa ra rễ và thuần với điều khiện thời tiết, do vậy nên chú ý về sâu bệnh, ánh sáng nhiệt độ. Trong quá trình chăm sóc cần tưới nước và dùng phân hữu cơ ngâm loãng để phun cho lan từ 7 ngày đến nửa tháng phun/lần. Ngoài ra khi thời tiết có sương muối, hoặc mưa dầm thì cần phải tránh cho cây để cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi” – anh Nguyễn Văn Công chia sẻ.

Mô hình trồng lan của anh Nguyễn Văn Công đã tạo việc làm cho thanh niên địa phương.

Ban đầu quy mô vườn lan của anh Công có diện tích 200m2, dần dần, nhận thấy cây hoa phong lan có giá trị kinh tế, và được nhiều khách hàng ưa chuộng, anh và gia đình quyết định gom vốn để mở rộng thêm diện tích, mua thêm các giỏ lan và đầu tư hệ thống tưới cây tự động. Đến nay vườn lan của anh có diện tích 500m2, trong vườn có trên 1.000 giò lan, với hơn chục loại lan như: Đai Châu, Phi Điệp, Trầm, Quế, Tam bảo sắc, Hạc vĩ….

Chủ nhân của khu vườn cho biết, giá bán trung bình của một giò lan dao động từ 1 – 2 triệu đồng/ giò, và có những giò lan thuần hoặc đột biến có giá cao gấp 10 đến 20 lần giá trung bình. Trung bình mỗi ngày vườn lan nhà anh Công bán được 10 đến 20 đơn hàng và thu nhập mỗi năm, vườn lan đem lại cho gia đình trên 200 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí.

Không những chăm lo phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình, anh Công còn quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên ở địa phương có việc làm ổn định tại vườn với mức lương ổn định từ 6 triệu đồng/người/tháng.

Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm đam mê, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Công đã và đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ giỏi làm kinh tế, mà anh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn ở địa phương, anh Công xứng đáng là tấm gương sáng về phát triển kinh tế cho các đoàn viên trẻ noi theo.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lam-giau-tu-mo-hinh-trong-phong-lan-74084.html