Làm giàu từ mô hình liên kết nuôi dê

Mô hình liên kết nuôi dê của một số thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương.

Chung ý tưởng khởi nghiệp

Trang trại dê của nhóm anh Nguyễn Minh Trung (SN 1991) nằm trên một quả đồi ở xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn). Anh Trung chia sẻ, khởi nghiệp với dê 4 lần, thất bại 3 lần, cuối năm 2020 mới cơ bản ổn định quy trình chăn nuôi. Hiện trang trại có hơn 700 con dê Boer và Bách Thảo.

 Anh Trung bên trang trại dê

Anh Trung bên trang trại dê

“Tôi và 4 anh em chung ý tưởng khởi nghiệp với dê cùng mở trang trại lấy tên là Anh em farm. Vốn đầu tư cho cả trang trại dê khoảng 20 tỷ đồng, riêng vốn nuôi dê trên dưới 10 tỷ. Trang trại chuyên dê thịt, dê giống, một năm xuất khoảng 2 lứa. Hiện tại, chúng tôi vừa phát triển nhân đàn, vừa bán một phần dê thịt để tái đầu tư”, anh Trung cho biết.

Theo anh Trung, quan trọng nhất của quy trình nuôi dê nhốt chuồng hoàn toàn là đảm bảo chế độ dinh dưỡng, cân đối giữa thành phần thức ăn tinh và thô, xanh. “Nuôi dê số lượng lớn nên phải chủ động nguồn thức ăn, ngoài 2ha cỏ voi, chúng tôi sử dụng thêm cây bắp sinh khối lên men và cám tổng hợp để cung cấp thức ăn cho dê”, anh Trung nói.

Liên kết xây dựng thương hiệu

Sản phẩm từ sữa dê của HTX dê Đắk Lắk

Hợp tác xã Dê Đắk Lắk (HTX) có 3 thành viên chính và một số hộ dân liên kết, thành lập đầu năm 2022. Anh Bùi Duy Khánh (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), thành viên đồng sáng lập HTX cho biết, với quy mô đàn dê 600 con hiện tại, mỗi tháng, anh xuất bán 150 con dê thịt và dê giống, thu lãi khoảng 60 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 thanh niên tại địa phương.

Theo anh Khánh, Đắk Lắk có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi dê, hầu hết mô hình đang ở quy mô nhỏ lẻ. Khó khăn lớn nhất đối với các hộ nuôi dê là tình trạng giá cả bấp bênh. Định hướng trước mắt của HTX là tạo môi trường để người chăn nuôi dê, đặc biệt là nông dân trẻ có thể trao đổi kinh nghiệm, tham quan, học hỏi thực tế.

Với đặc sản sữa dê thanh trùng Ban Mê của anh Nguyễn Văn Hải, thành viên HTX Dê Đắk Lắk đang là mặt hàng được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Anh Hải kể, năm 2007, tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, anh được một công ty nước ngoài tuyển dụng làm việc với mức lương cao. Sau những chuyến về thăm vợ (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) anh Hải quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp. Anh đầu tư 3 tỷ đồng mua hơn 1ha đất, xây dựng chuồng trại, mua con giống. Lúc đầu, anh Hải nuôi dê lấy sữa, sau đó nghiên cứu, học hỏi và nuôi thêm dê giống và bán dê thịt, Hiện, anh Hải chuyên về dê lấy sữa. Ngoài sữa dê thanh trùng còn có các sản phẩm từ sữa dê như sữa chua, bánh plan, mỗi tháng cơ sở anh Hải có tổng thu nhập khoảng 60 triệu.

Theo anh Bùi Duy Khánh, HTX đang phát triển thị trường cho nhiều sản phẩm tinh chế từ thịt và sữa dê như: thịt dê tươi đóng gói, chả dê, sữa chua sữa dê… HTX đang hoàn chỉnh thủ tục để đưa các sản phẩm này vào kênh siêu thị, chuỗi nhà hàng hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho các mặt hàng thịt và sữa dê xuất xứ từ Đắk Lắk.

NGUYỄN THẢO

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lam-giau-tu-mo-hinh-lien-ket-nuoi-de-post1459064.tpo