Làm giàu từ mô hình đa canh rau màu

Vùng đất Rôốc ở thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa (Minh Hóa) những ngày này thật tấp nập, từ sáng sớm đến chiều tối, tiếng nói chuyện của bà con cứ rôm rả cả một vùng. Bà con nông dân nơi đây đang vào vụ thu hoạch các loại cây rau màu.

Vùng Rôốc xưa nay chỉ làm được một vụ lúa hoặc một vụ lạc, từ khi bà con mạnh dạn chuyển qua trồng cây rau màu, những giàn mướp đắng, dưa chuột, bí đao… xanh mướt trải dài, vùng đất này đã được đánh thức tiềm năng.

Trước đây, vùng đất rộng hơn một mẫu của gia đình anh Đinh Văn Lý và chị Cao Thị Thu Hoài ở thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa được sử dụng để trồng cây lạc và cây lúa, mỗi năm trồng một vụ lạc được 5-6 triệu đồng sau khi trừ chi phí và một vụ lúa thu hoạch về được khoảng 10 bao lúa.

Đối với gia đình anh chị thì đây là thu nhập chính, nhưng với tham vọng muốn có thu nhập cao hơn, xem trên các kênh truyền thông thấy nhiều nơi bà con làm kinh tế rất giỏi, cho thu nhập cao mặc dù xứ họ không có nhiều đất hơn mình, anh Lý, chị Hoài quyết định cải tạo đất, học hỏi trồng những cây có giá trị kinh tế hơn.

Trong các loại cây rau màu, gia đình chị Cao Thị Thu Hoài và anh Đinh Văn Lý chọn mướp đắng là cây trồng chủ lực vì là cây ngắn ngày, lại đạt năng suất cao và dễ tiêu thụ. Hơn một mẫu đất, gia đình chị Hoài trồng gần 4 sào mướp đắng.

Để cây trồng đạt năng suất cao, chị đầu tư làm hệ thống giàn leo rất chắc chắn, bảo đảm đủ độ rộng, độ cao để mướp đắng phát triển. Anh chị chăm sóc cẩn thận từ khi gieo hạt giống xuống đất đến thời kỳ ra hoa, đậu quả. Nhờ đó, mướp đắng phát triển rất nhanh. Gia đình cũng trồng lệch thời gian để tránh việc thu hoạch ồ ạt, bị thương lái ép giá. Với giá bán tại vườn hiện nay từ 5.000-7.000 đồng/kg, bình quân một ngày chị Hoài thu về gần 2 triệu đồng.

Ngoài cây mướp đắng, chị Hoài trồng 3 sào dưa chuột, trên 2 sào bí đao, hiện đang phát triển rất tốt.

Anh Đinh Văn Lý chia sẻ: "Trước đây, vùng đất Rôốc này nhìn hoang sơ lắm, chỉ lèo tèo vài hộ dân vào đây làm lúa, làm lạc, nhưng bấp bênh vì có năm mất mùa, có một thời gian người ta bỏ hoang hết, gia đình tôi chỉ biết bám đất, cũng chuyển đổi dần và thử trồng nhiều loại cây, cuối cùng chọn cây mướp đắng là chủ lực. Năm 2019 và 2020, thu nhập từ các loại rau màu sau khi trừ chi phí có lãi mỗi năm 150 triệu đồng, nhờ đó gia đình đã làm được ngôi nhà xây kiên cố. Năm nay, gia đình phát triển mới 3 sào dưa hấu, trồng thêm vạt cà tím, đầu tư các loại giống chất lượng hơn, mua máy bơm công suất lớn để phục vụ tưới tiêu phòng nắng hạn".

Vườn cây của gia đình anh Lý sẽ cho thu hoạch trong vòng 3-5 tháng, cuối vụ mướp đắng sẽ bắt đầu thu hoạch dưa chuột và bí đao, vườn dưa hấu bắt đầu bán từ tháng 5 đến tháng 8. Nếu giá cả ổn định như năm ngoái, thu nhập sẽ tăng gấp đôi, khoảng 200 đến 250 triệu đồng. Sau khi thu hoạch hết các loại cây này, anh Lý, chị Hoa sẽ tiếp tục trồng môn củ.

Mỗi ngày gia đình anh Lý, chị Hoài thu hoạch từ 2-3 tạ mướp đắng.

Mỗi ngày gia đình anh Lý, chị Hoài thu hoạch từ 2-3 tạ mướp đắng.

Chị Đinh Thị Hà Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Hóa cho biết: "Chúng tôi rất khâm phục sự chịu khó, chăm chỉ của gia đình chị Hoài, từ khi gieo hạt giống xuống đến khi thu hoạch, hai vợ chồng ngày nào cũng thức dậy lên vườn rau từ sáng sớm để chăm sóc đến tối mịt mới về, có hôm cả gia đình mang theo cơm nước lên vườn để làm cỏ, bón phân cho cây trồng. Vườn rau màu của hội viên Cao Thị Thu Hoài là một trong những mô hình trồng trọt tiêu biểu của địa phương được nhiều hộ dân học hỏi và thực hiện để mang lại hiệu quả kinh tế".

Cạnh vườn mướp đắng của gia đình chị Hoài là vườn rau màu của gia đình ông Trần Thanh Bình ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa. Dưới cái nắng như đổ lửa, ông đang chăm chú làm hệ thống giàn để dưa chuột leo lên. Lau vội những giọt mồ hôi, ông Bình chia sẻ: "Nhờ trồng các loại rau dưa mà gia đình có thêm đồng ra đồng vào, chịu khó một chút nhưng thu nhập cũng khá hơn so với trồng cây lạc".

Trên vùng đất Rôốc này, ngoài gia đình chị Hoa, ông Bình còn có gần 20 hộ chuyển đổi đất lúa, đất lạc, đất trồng rừng sang trồng các loại rau củ,quả, như: gia đình anh Đinh Xuân Hóa, ông Đinh Quang Của..., kinh tế của các hộ dân khấm khá và ổn định theo từng năm. Sau mỗi vụ rau màu, thu nhập của các hộ gia đình đạt bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.

Vùng đất Rôốc được đánh thức, ngày càng có nhiều hộ dân lên đây để khôi phục lại đất hoang, cải tạo đất để trồng các loại rau màu. Điều băn khoăn của các hộ dân là đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, bị thương lái ép giá và việc xuất bán còn quá nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, có thời điểm thu hoạch ồ ạt nên nông dân đành bán giá thấp.

Để mô hình sản xuất của nông dân thật sự đạt hiệu quả và bền vững, không chỉ đòi hỏi những đổi thay từ phía nông dân, mà còn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành có liên quan. Thiết nghĩ, xã Xuân Hóa cần mạnh dạn thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhằm xây dựng chuỗi liên kết giữa nhà nông với thương lái, doanh nghiệp. Từ đó, cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả, đầu ra ổn định để nông dân an tâm lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương .

Thùy Linh

(Đài TT-TH Minh Hóa)

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202106/lam-giau-tu-mo-hinh-da-canh-rau-mau-2189821/