Làm giàu từ liên kết chăn nuôi gà ở huyện Yên Định

Theo chân cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện Yên Định, chúng tôi đến gia đình anh Trịnh Đình Mạnh, xã Quý Lộc. Anh Mạnh là cá nhân điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, anh Mạnh đã thành công với mô hình chăn nuôi gà cho Công ty Japfa Việt Nam.

Trại nuôi gà gia công của gia đình anh Lê Quyết Thắng, xã Định Hòa (Yên Định).

Chia sẻ về thành công của mô hình liên kết chăn nuôi gà, anh Mạnh cho biết: Anh bắt đầu chăn nuôi từ lúc 25 tuổi, đến nay anh đã có thâm niên 20 năm. Tuy nhiên, những năm trước, anh chỉ đầu tư chăn nuôi theo phương thức nông hộ, nên mọi chi phí sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm anh đều phải tự lo. Hình thức chăn nuôi này tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm, khiến anh không dám mở rộng quy mô sản xuất. Đến năm 2013, được tuyên truyền, giới thiệu của Trạm Khuyến nông huyện Yên Định, anh đã mạnh dạn liên kết với Công ty Japfa Việt Nam để chăn nuôi gà cho công ty. Theo đó, gia đình đầu tư về quỹ đất, cơ sở hạ tầng chuồng trại, công chăm sóc, còn công ty đầu tư toàn bộ con giống, cám, thuốc thú y và có nhân viên kỹ thuật chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống các loại dịch bệnh cho gà. Sau khi con nuôi đến tuổi xuất bán, công ty sẽ thu mua lại toàn bộ gà thành phẩm và thanh toán tiền nuôi gia công cho gia đình. Tiền công được tính theo khối lượng gà thịt nhập lại cho công ty, giá trị từ 3.800 đến 4.200 đồng/kg tùy theo các chỉ số về cân nặng của gà, thời gian nuôi, lượng thuốc thú y tiêu tốn. Là người có kinh nghiệm chăn nuôi gà lâu năm, nên việc liên kết chăn nuôi với công ty được thực hiện suôn sẻ, đàn gà do gia đình anh nuôi ít dịch bệnh, chất lượng tốt, nên thu nhập cao và ổn định. Hiện trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh có quy mô 10.000 con/lứa; hàng năm anh nuôi khoảng 5 lứa, thời gian nuôi từ 45-47 ngày/lứa. Theo tính toán của anh, với quy mô nuôi như hiện tại, anh thu nhập khoảng 70 đến 80 triệu đồng/lứa, bình quân thu nhập đạt khoảng 350-400 triệu đồng/năm, lãi 200 đến 220 triệu đồng/năm.

Cũng là gia đình có nhiều năm gắn bó với chăn nuôi gà, song kinh tế của gia đình Lê Quyết Thắng, xã Định Hòa (Yên Định) vẫn không có sự bứt phá, mãi đến năm 2014, anh quyết định đầu tư vốn xây dựng chuồng trại để thực hiện liên kết chăn nuôi gà với Công ty CP Việt Nam thì thu nhập của gia đình mới có sự chuyển biến tích cực. Theo đó, anh đã ký hợp đồng nuôi gà lông màu cho công ty với quy mô 12.000 con/lứa, hàng năm nuôi từ 3,5 đến 4 lứa, thời gian nuôi 1 lứa từ 60 đến 65 ngày cho đơn hàng nuôi gà mái mật độ cao, 90 đến 120 ngày cho đơn hàng gà trống và gà trống cựa nuôi mật độ thấp hơn. Do thời gian nuôi dài, nên tiền nuôi công ty chi trả cho gia đình anh được tính theo giá trị nhập lại cho công ty, với giá trị đạt từ 6.000 – 6.500 đồng/kg tùy theo các chỉ số về cân nặng, thời gian nuôi, lượng thức ăn, thuốc thú y tiêu tốn và đơn hàng nuôi. Với quy mô nuôi như trên, hiện mỗi lứa nuôi gia đình anh thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng/lứa, bình quân đạt 450 triệu đồng/năm, lãi 200 đến 250 triệu đồng/năm.

Trên chỉ là 2 trong số nhiều hộ dân của huyện Yên Định có thu nhập cao từ việc thực hiện liên kết chăn nuôi gà với các doanh nghiệp. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, trên địa bàn huyện hiện có 46 trang trại chăn nuôi gà với hình thức nuôi gia công cho doanh nghiệp có quy mô từ 5.000 – 20.000 con, với phương thức chăn nuôi này các trang trại không những giảm trừ được chi phí đầu tư, mà còn hạn chế được rủi ro về thị trường tiêu thụ khi có biến động về giá cả, nên lợi nhuận đạt khá cao. Theo đánh giá sơ bộ, trung bình mỗi trang trại thu lãi từ 150 đến 500 triệu đồng/năm, tùy theo quy mô từng trang trại.

Theo chia sẻ của các chủ trang trại, phương thức nuôi gia công cho các doanh nghiệp mang lại cho các hộ chăn nuôi nhiều lợi ích. Bởi, doanh nghiệp đầu tư toàn bộ chi phí trong quá trình nuôi, ngoài ra còn hỗ trợ kỹ thuật, nên trong suốt quá trình nuôi, gà hầu như không bị dịch bệnh, ít rủi ro. Vì thế, việc đầu tư nuôi gia công cho các doanh nghiệp chỉ khó khăn giai đoạn đầu, vì cần nguồn vốn lớn, còn giai đoạn chăm sóc thì khá đơn giản do có doanh nghiệp cùng đồng hành và hỗ trợ. Khó khăn nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm thì đã được doanh nghiệp thu mua toàn bộ, nên các hộ dân có thể yên tâm đầu tư và phát triển quy mô chăn nuôi.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/lam-giau-tu-lien-ket-chan-nuoi-ga-o-huyen-yen-dinh/106074.htm