Làm giàu thêm Tết Việt

Cùng với sự khởi sắc đi lên của đất nước, ngày Tết hiện đại cũng có nhiều sự biến đổi tích cực, trong đó, những hoạt động văn hóa ý nghĩa đã làm giàu thêm cho hoạt động vui Xuân, đón Tết. Bên cạnh những sáng tạo là lòng nhân ái, đoàn kết đã nhân lên, tạo ra những bản sắc mới cho Tết Việt.

Ba năm Tết Việt đình làng

Xuất phát từ sáng kiến của nhóm Đình làng Việt, 3 năm qua, tại đình làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã tổ chức “Tết Việt tại đình làng”. Năm ngoái, Tết Đinh Dậu, ban tổ chức đã mời quan khách từ 20 đại sứ quán, các tổ chức quốc tế về chung vui. Khách đều có ấn tượng tốt đẹp với Tết Việt và thêm hiểu biết sâu sắc về truyền thống văn hóa của Việt Nam. Năm nay, người dân làng So và thành viên của nhóm Đình làng Việt lại tổ chức đón Xuân Mậu Tuất tại đình làng trong ngày 9 và 10-2 với nhiều hoạt động phong phú, như gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, dựng cây nêu, hát cửa đình…

Gói bánh chưng trong chương trình Tết Việt tại Đình làng So. Ảnh: Phan Huy.

Có thể khẳng định, những nghi lễ, cấu trúc chương trình "Tết Việt tại đình làng" đều là trí tuệ, công sức sáng tạo của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân dân gian, các bô lão… bởi trước đây những hoạt động kiểu này là chưa có tiền lệ. Cụ thể: Từ đêm trước lễ (cũng gọi là đêm Gala Đình làng Việt) có những hoạt động gói và nấu bánh chưng; tọa đàm, nói chuyện về phong tục tập quán được dẫn dắt bởi các nhà nghiên cứu văn hóa; biểu diễn âm nhạc dân gian bởi các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ nhiều làng quê có truyền thống hát xẩm, hát then, hát xoan… Vào ngày chính lễ có các hoạt động: Lễ yết thành hoàng làng, lễ dựng cây nêu, giao lưu diễn xướng dân gian, viết thư pháp, làm tranh dân gian, múa rồng, trình diễn áo dài nam truyền thống, hát cửa đình, biểu diễn trích đoạn chèo… Tất cả những hoạt động này đều dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp, chung vui của thành viên các nhóm hoạt động xã hội và dân làng.

Có thể thấy rằng, một chương trình lễ Tết lớn như thế thật khó có thể nhân rộng tại các làng, các cộng đồng dân cư. Song, Tết Việt tại đình làng So hẳn cũng sẽ cho người ta những gợi ý để người dân các vùng, miền khác tổ chức những lễ hội tương tự. Và quan trọng hơn, đó cũng là cách để tôn vinh đình làng, không gian văn hóa cộng động của rất nhiều làng quê trên đất nước ta. Nói cách khác, qua việc tổ chức các hoạt động Tết Việt tại đình làng như sự kiện diễn ra tại đình làng So đã làm “giàu có” thêm cho Tết truyền thống của người dân Việt Nam.

Lễ yết Thành hoàng làng trong chương trình Tết Việt tại Đình làng So. Ảnh: Phan Huy.

Tết trở về với truyền thống, cuội nguồn

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, đình làng với vai trò là nơi thờ tự thành hoàng, những người có công với cộng đồng và cũng là nơi hội họp của dân làng để ra những quyết sách lớn về “việc làng”, nên có thể coi là “chốn thiêng” trong tâm thức dân gian, là nơi cộng cảm của cộng đồng. Theo truyền thống thì mỗi họ, mỗi chi, mỗi phái, mỗi gia đình sẽ sắp mâm cỗ để thờ cúng trong ngày Tết. Việc lễ trước, lễ sau tùy thuộc vào văn hóa và quy định của mỗi địa phương, song chỉ cần nhìn vào mâm cỗ ở đình làng là người ngoài có thể đủ biết làng này có sung túc hay không. “Buồn nhất là những làng không có đình để thờ, nhưng để bù đắp sự thiếu hụt đó, người ta vẫn có cách để thờ trong dịp Tết như thay bằng thờ ở đình thì người ta thờ ở miếu, ở chùa, ở cây đa, bến nước, những nơi mà người ta cho là thiêng liêng. Song, điều dễ thấy là nhu cầu tri ân với mảnh đất mình đang cư ngụ, nhu cầu tìm về với nguồn cuội”-nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề của UNESCO, cũng là một cố vấn của chương trình Tết Việt tại đình làng So. Ông tâm sự: “Đối với tôi, bản chất của Tết Việt là sự trở về cội nguồn, trở về với tổ tiên. Tết Việt là tinh hoa của tất cả những truyền thống văn hóa, những điều được trải dài trong một năm để rồi hội tụ cao nhất vào dịp Tết từ ẩm thực, trang phục, đến hành vi ứng xử, lòng vị tha. Tất cả đều được bộc lộ vào ngày Tết”. Thật vậy, ngày Tết cũng là dịp hội tụ và lan tỏa sức mạnh thiêng liêng của sự cấu kết cộng đồng, của tình nhân ái. Mới đợt rét lạnh vừa qua, trên một số diễn đàn của mạng xã hội có một cô giáo ở Trường PTTH Trung Hóa (Quảng Bình) tâm sự, thật buồn khi gần Tết rồi mà các em học sinh của trường cô vẫn còn thiếu áo rét. Lập tức nhiều “nhóm hành động” đã nhận lãnh trách nhiệm quyên góp, mua áo ấm tặng các em học sinh. Ít ngày sau, hình ảnh các em học sinh tươi hồng nụ cười hạnh phúc trong những tấm áo ấm mới đã được sẻ chia trên mạng xã hội như một chỉ dấu đẹp của lòng thiện đầy nhân ái. Còn bao hành động đẹp đang được nhân lên mỗi ngày và càng tỏa sáng trong những ngày Tết.

Kinh tế phát triển kéo theo “mặt trái của cơ chế thị trường”, có những lúc chúng ta lo lắng cho sự biến dạng, nhạt nhòa của nhiều hiện tượng văn hóa trong các lễ hội truyền thống mà báo chí đã nêu trong thời gian qua. Song, với những hoạt động như Tết Việt tại đình làng, chúng ta có thể đặt nhiều niềm tin và hi vọng vào tương lai. Cái đẹp, cái thiết thực ngày càng được nhân rộng, phổ biến. Biết làm giàu cho văn hóa truyền thống của cha ông, biết sáng tạo, tôn vinh vốn cổ chính là xu hướng chung của xã hội, đặc biệt là của giới trẻ. Hương vị Tết đã ngập tràn, muôn hoa khoe sắc, lòng người phơi phới niềm tin trong không khí xuân vui đang về. Tết-khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời, khoảng thời gian tỏa sáng của tình nhân ái, tình người, đạo lý nhân văn, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cứ cuộn chảy mãi.

LÊ NGUYÊN PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/lam-giau-them-tet-viet-531418