Làm giàu ở nông thôn: Nơi khỉ ho cò gáy, khá giả nhờ nuôi bò thả đồi

Trang trại nuôi bò ven lòng hồ Sông Đà của ông Hà Văn Héo ở bản Heo (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có hàng chục con bò giống địa phương. Vì thế ông được người dân bản địa đặt cho cái tên thân mật là 'vua bò' xứ Mường. Mỗi năm ông Héo thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi đàn bò thả đồi này.

Bản Heo, xã Tà Hộc nằm ven lòng hồ Sông Đà, thuộc vùng 3 đặc biệt khó khăn của Huyện Mai Sơn, nơi đây đa số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Nhiều năm gần đây, tận dụng những đồng cỏ mọc xanh mướt trên các triền đồi ven sông, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi bò thả đồi, nhờ đó thu nhập kinh tế của người dân đã nâng cao rõ rệt. Gia đình ông Héo là một trong những hộ tiên phong trong bản phát triển kinh tế theo mô hình nuôi bò thả đồi tại địa phương, mỗi năm ông thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi bò.

Nhiều năm trở lại đây, người dân tộc Mường sinh sống ven lòng hồ Sông Đà đã có nguồn thu nhập cao từ mô hình nuôi bò thả đồi

Chia sẻ với Dân Việt, ông Héo cho biết: "Trước kia, tôi trồng hơn 8ha ngô, sắn trên nương rẫy nhưng không đem lại nguồn thu nhập cao, do chi phí đầu tư mua giống cao; giá cả ngô, sắn lại liên tục giảm. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch ngô, sắn tôi lại phải bù lỗ và nợ tiền giống, phân bón, cuộc sống của gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ phải tìm cách nào đó để đưa gia đình thoát khỏi nghèo túng.

Nhận thấy tại các quả đồi ở địa phương có nhiều cỏ mọc xanh mướt, đất nương rẫy lại rộng. Nghĩ đến việc chăn nuôi bò có thể đem lại nguồn kinh tế lớn, tôi bàn bạc với vợ đi vay tiền anh em họ hàng làm vốn, sang mấy bản người Mường cuối sông Đà thuộc huyện Bắc Yên (Sơn La) mua 4 con bò cái trưởng thành về nuôi. Khoảng 1 năm sau, 4 con bò cái đã cho sinh sản 4 con bê khỏe mạnh".

Ông Héo là hộ dân tiên phong trong việc nuôi bò theo kiểu thả đồi tại bản Heo (Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)

Để có đủ lượng thức ăn cho đàn bò, ông Héo cùng vợ trồng thêm cỏ voi trên diện tích 3ha đất nương rẫy để cung cấp thức ăn cho đàn bò. Bên cạnh đó, ông còn trồng thêm chuối trên 5.000m2 vườn trong suối, nhằm bổ sung đa dạng nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc.

Nhờ chuyển sang nuôi bò thả đồi, đến nay đời sống kinh tế của gia đình ông Héo đã có của ăn của để

“Tôi nuôi bò theo kiểu thả đồi, vì diện tích nương rẫy của gia đình tôi khá rộng, các loại cỏ mọc rất nhiều nên lượng thức ăn tương đối dồi dào, đủ cho đàn bò của gia đình ăn quanh năm. Khi bò trưởng thành, các thương lái đi theo thuyền buôn lớn dọc sông Đà,(người dân chúng tôi hay gọi là chợ phiên trên sông) đỗ thuyền vào tận trang trại tôi thu mua nên đầu ra cho đàn bò luôn ổn định và bán được giá cao” - ông Héo cho biết thêm.

Nhờ cách chăm sóc tốt, đàn bò của ông Héo luôn phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh

Hiện nay, trong trang trại của ông Héo nuôi 22 con bò giống địa phương, ông nuôi theo kiểu “thả đồi” nên đàn bò của gia đình ông phát triển rất khỏe mạnh, con nào con nấy đều béo ú. Trung bình 1 con bò trưởng thành, ông Héo bán ra thị trường với giá hơn 10 triệu đồng/con.

Ông Hà Văn Héo cho biết: Từ khi chuyển sang nuôi bò tôi không sợ lỗ, bởi chi phí chăm sóc cho đàn bò thấp, giá cả thịt thương phẩm của bò trên các chợ hiện nay rất cao và ổn định, không mất giá như gà, lợn. Ngoài ra tôi còn trồng thêm sắn trên nương, sau mỗi vụ thu hoạch cũng thu lãi hơn 20 triệu đồng. Mỗi năm tôi có lãi gần 140 triệu đồng từ nuôi bò và trồng sắn. Thời gian tới, tôi dự định mua thêm vài chục con dê giống về thả đồi, để tăng nguồn thu nhập kinh tế cho gia đình.

Hà Hoàng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/lam-giau-o-nong-thon-noi-khi-ho-co-gay-kha-gia-nho-nuoi-bo-tha-doi-894062.html