Làm giàu ở nông thôn: Đổi đời nhờ nuôi cá nước ngọt

Nhờ nuôi cá nước ngọt mà ông Nguyễn Liễu (56 tuổi), ở xã Hòa Khương, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã 'nhẹ nhàng đút túi' mỗi năm 200 triệu đồng.

Dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc

Ông Nguyễn Liễu cho hay, mình lớn lên trong gia đình thuần nông, kinh tế chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng. Vợ chồng ông làm mướn, ai kêu gì làm đó, cuộc sống gia đình khá bấp bênh.

Mô hình nuôi cá nước ngọt của ông Nguyễn Liễu cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Hậu

Với bản tính chịu khó học hỏi, ông Liễu nhận thấy mô hình nuôi cá nước ngọt thích hợp với điều kiện gia đình như diện tích nuôi nhỏ, ít vốn, dễ chăm sóc,...

“Năm 2005, tôi tận dụng đất xung quanh vườn để làm ao nuôi cá. Lứa đầu tiền, tôi thả nuôi 1.000 con cá mè, diêu hồng, trắm cỏ,… Sau 5 tháng nuôi, dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đã có lãi gần 20 triệu đồng. Thấy nuôi cá nước ngọt hiệu quả cao nên vợ chồng tiếp tục đầu tư mở rộng” - ông Liễu nói.

Thức ăn chủ yếu của cá nước ngọt là cỏ, cám, các loại bột...chi phí khá thấp. Ảnh: Trần Hậu

Đến nay, mô hình chăn nuôi cá của ông Liễu đã tăng diện tích lên hơn 2.000m2, với 4 ao nuôi hơn 10.000 con cá/năm…

…nhưng thu nhập khá cao

Theo ông Liễu, mỗi năm mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông xuất bán gần 6 tấn cá các loại. Trung bình mỗi tấn có giá từ 50 - 55 triệu đồng. “Cũng nhờ nuôi cá nước ngọt mà gia đình tôi khá giả hẳn lên, có tiền xây nhà mới, sắm sửa vật dụng gia đình và nuôi 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn…” - ông Liễu bộc bạch.

Ông cho hay, nuôi cá nước ngọt khá đơn giản, không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nguồn thức ăn cho cá rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, cám, bột các loại nên chi phí đầu tư thấp; ngày cho ăn 1-2 lần nên không mất nhiều thời gian. “Đối với nuôi cá nước ngọt thì công đoạn xử lý, cải tạo ao nuôi rất quan trọng, giúp loại bỏ khí độc, thức ăn thừa, mầm bệnh tồn tại trong nước ao, đáy ao. Đồng thời, đây cũng là cách tạo ra môi trường sinh trưởng, phát triển tốt nhất cho cá trong vụ nuôi mới...” - ông Liễu chia sẻ.

Ông Nguyễn Liễu bên ao nuôi cá nước ngọt của gia đình. Ảnh: Trần Hậu

Theo ông Liễu, để nuôi cá đạt hiệu quả thì cần phải làm tốt khâu chọn giống; chú ý chọn con giống khỏe, cá đồng cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, không bị dị hình, trầy da, lở mình,... Để nuôi cá đạt năng suất, cần chú ý mật độ nuôi thoáng, khẩu phần ăn thích hợp cho từng giai đoạn. Mùa vụ thả giống thường tập trung vào đầu mùa mưa, vì lúc này trùng với mùa sinh sản của cá ngoài tự nhiên nên chất lượng cá giống sẽ tốt hơn. Trong quá trình nuôi, phải chú ý phân loại cỡ cá, hạn chế sự cạnh tranh thức ăn và hao hụt, không để thức ăn dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, quá trình nuôi phải đảm bảo được nguồn nước đạt chất lượng, xử lý ao đúng kỹ thuật…

Ông Nguyễn Liễu dự kiến tăng diện tích ao lên 3.000m2 để nuôi từ 15.000 - 20.000 con cá các loại. Ảnh: Trần Hậu

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng ao nuôi, tăng diện tích lên khoảng 3.000m2 với công suất nuôi từ 15.000 - 20.000 con. Tôi đang hợp tác với các đơn vị cung cấp trực tiếp nguồn cá sạch vào các nhà hàng trên địa bàn Đà Nẵng và các vùng lân cận...” - ông Liễu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Kế Hiệp- Phó chủ tịch UBND xã Hòa Khương nhận xét: “Mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Nguyễn Liễu là điển hình của phong trào nông dân tự vươn lên thoát nghèo. Địa phương đang khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này để nâng cao thu nhập…”.

Trần Hậu - Đoàn Hồng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/lam-giau-o-nong-thon-doi-doi-nho-nuoi-ca-nuoc-ngot-863092.html