Làm giàu nhờ nuôi thú lạ: Những động vật tí hon

Nuôi trùn quế, lợi đủ đường 'Trùn quế rất dễ nuôi nhưng lại cho thu nhập khá cao, nuôi trùn quế theo mô hình khép kín sẽ lợi đủ đường, không bao giờ lo đói nghèo cả' - đó là khẳng định của ông Hoàng Ngọc Hùng, chủ trại trùn quế Hùng Quy lớn nhất tỉnh Lâm Đồng (50 Yên Bình, thị trấn Đinh Văn, H.Lâm Hà, Lâm Đồng; điện thoại: 0919740034).

Ông Hùng, 56 tuổi, từng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 1, dạy Toán ở trường THPT Lâm Hà và vừa rời bục giảng để về làm kinh tế hộ. Khoảng tháng 3.2008, tình cờ ông Hùng đọc được thông tin trên internet thấy người ta phát triển kinh tế nhờ con trùn quế này. Sau đó, ông khăn gói về TP.HCM tìm đến quan sát, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại và nhận thấy có thể làm giàu từ loài vật nhỏ như que tăm này. Một tháng sau, khi đã bàn bạc với gia đình, ông đánh liều lập dự án và ra ngân hàng vay 100 triệu đồng về lập trại nuôi trùn.

"Không mấy ai liều như tôi, không có vốn lại đi vay với số tiền lớn như vậy, hơn nữa đi mua giống đến những 90 triệu đồng nên cũng "ớn" lắm. Đã vậy, khi mua 20 tấn sinh khối giống còn bị họ lừa lấy hết trùn lớn ra, chỉ còn ấu trùng và trứng trùn, về nuôi trong diện tích 500m2, tới những 2 tháng sau mới thấy được trùn" - ông Hùng kể lại. Nhưng với sự chịu khó tìm tòi học hỏi, ông Hùng đã nuôi thành công, đồng thời mở rộng trại nuôi trùn lên 700m2, dự kiến đến cuối năm nay sẽ mở rộng lên 1.500m2. Trùn quế có hàm lượng protein cao nên được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá cho các loài gia súc, gia cầm, thủy hải sản… thậm chí còn được sử dụng trong y học, công nghệ chế biến thức ăn gia súc, mỹ phẩm.

Ông Hùng cho biết: Nhiệt độ thích hợp với trùn quế từ 20-300C. Ở nhiệt độ 300C và độ ẩm thích hợp chúng sinh trưởng và sinh sản rất nhanh, 1 cặp ban đầu có thể tạo ra từ 1.000 - 1.500 cá thể trong một năm. Thức ăn cho trùn quế cũng dễ tìm, bởi chúng ăn bất kỳ chất thải hữu cơ nào có thể phân hủy trong tự nhiên như rơm rạ, lá cây, mạt cưa, phân gia súc, gia cầm…

Hiện nay, trên thị trường, trùn thành phẩm có giá 25.000 đồng/kg và phân trùn có giá 1.500 đồng/kg. Như vậy chỉ với 700m2, mỗi năm ông Hùng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, nuôi trùn sẽ thành công hơn nếu quy trình được khép kín. Bởi vậy, trong trang trại của mình ông Hùng còn nuôi đến 200 con vịt, ngan và hàng chục con heo thịt. Bên cạnh đó, ông còn đào ao thả thêm cá trê lai, cá rô phi… trên diện tích mặt nước đến 700m2 cũng như trồng thêm các loại cây trái khác.

Nuôi ong "sát thủ" trong nhà

Ở xã Tiên Cẩm (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) mấy năm gần đây, người dân đổ xô nuôi… ong vò vẽ. Ở thôn Cẩm Phô có 100 nhà, thì có đến 60 nhà nuôi. Trung bình mỗi nhà có 20 tổ, thì số tổ ong chỉ riêng ở Cẩm Phô đã là 1.200! Không hiểu vì sao ong vò vẽ lại thích chọn vùng đất Tiên Cẩm làm tổ. Ban đầu người dân rất sợ, vì "tiếng tăm" của ong vò vẽ ai mà chẳng biết. Thế nhưng, dần dà thử sống chung, bà con mới thấy những chú ong mang lại nguồn dinh dưỡng đặc biệt. Anh Kiều Ký Hoài, ở thôn Cẩm Phô kể: "Bạn bè, anh em thân thiết đến chơi, bí quá không có món gì đãi thì mới mang lửa ra tổ ong để bắt nhộng". Nhộng ong vò vẽ rất ngon. Các món cháo nhộng, nhộng xào, bóp gỏi hay lấy nhộng trộn với bột gạo đúc bánh xèo… là những món ăn thuộc hàng đặc sản.

Tuy vậy, không phải "cứ muốn là được". Nhiều người đã phải nhập viện do bị ong vò vẽ đốt khi cố gắng bắt nhộng. Như trường hợp anh Nguyễn Minh Dũng ở Cẩm Phô bị ong đốt 36 mũi, suýt chết. Theo anh Dũng ở thôn Cẩm Phô, ong vò vẽ rất "thính", cứ nghe động một chút là cả đàn túa ra, sẵn sàng nghênh tiếp! Riêng dân Tiên Cẩm thì có "nhiều bài" để xử lý tổ ong vò vẽ, bắt nhộng. Thứ nhất, dùng rơm rạ đốt vào tổ để cho những chú ong thợ cháy cánh, mất khả năng "chiến đấu". Thứ hai, chọn thời điểm 12 giờ trưa và đêm khuya, khi tất cả ong thợ đã về tổ, còn chú ong gác tổ "đổi ca", quay đầu vào trong. Lúc đó, mang lửa đến đốt.

Tháng 3 hằng năm là mùa ong vò vẽ làm tổ. Ong thả nuôi từ tháng 3 đến tháng 7, tháng 8 là thu hoạch. Mỗi tổ lớn có thể thu được từ 2,5 - 3,5 kg nhộng. Nếu bán, cũng thu được vài trăm ngàn đồng. Đó là một nguồn dinh dưỡng hữu hiệu và một khoản thu nhập lý tưởng cho người dân vùng cao huyện Tiên Phước.

Gia Bình - Hữu Trà - Song Phương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/phong-su-dieu-tra/lam-giau-nho-nuoi-thu-la-nhung-dong-vat-ti-hon-282509.html