Làm giàu bền vững từ rừng

Với trên 122.700ha rừng tự nhiên, trên 214.800ha rừng sản xuất, rừng Quảng Ninh có đủ ưu thế để mang lại lợi ích kinh tế cho chủ rừng, cũng như khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan phát triển.

Thoát nghèo, làm giàu nhờ rừng

Thực tế nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân nhận đất rừng, các ngành kinh tế du lịch, thủy sản, nước sạch… được hưởng lợi từ rừng. Hiện nay, với những trợ lực từ cơ chế, chính sách của tỉnh, rừng Quảng Ninh đang được nhìn nhận với sức bật phát triển mới, là dư địa để tạo ra sự giàu mạnh.

Được mùa, được giá, vụ hồi cuối năm 2020 đã mang về cho anh La Thế Đông (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) trên 100 triệu đồng. Với 2 vụ thu hoạch hồi mỗi năm, anh Đông có gần 200 triệu đồng. Nguồn thu này gần như ổn định từ nhiều năm qua, kể từ khi 2ha rừng hồi của gia đình anh trưởng thành, giúp kinh tế gia đình anh ngày càng khá lên.

Anh Đông chia sẻ: Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây chủ yếu sống dựa vào rừng. Rừng đã giúp cho gia đình tôi thoát nghèo từ nhiều năm trước, giờ tôi đã xây được nhà mới, mua xe, sắm sửa vật dụng sinh hoạt trong gia đình, cho con cái học hành đến nơi đến chốn...

Đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả khảo sát diện tích trồng rừng mới tại xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ).

Đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả khảo sát diện tích trồng rừng mới tại xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ).

Anh Đông chỉ là một trong hàng nghìn hộ dân huyện Bình Liêu khấm khá lên từ rừng. Với gần 10.000ha cây hồi, quế, sở - 3 loại cây rừng chính trên địa bàn, đã và đang góp phần nâng cao đời sống của người dân huyện, đồng thời còn là dư địa để Bình Liêu phát triển du lịch bản địa gắn với hương hồi, hương quế, mùa hoa sở và lễ hội hoa sở, gắn với những sản vật quê hương được chế biến từ 3 loại nguyên liệu hồi, quế, sở.

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, khẳng định: Từ rừng, thu nhập của người dân được nâng cao. Đây cũng chính là điều kiện để huyện ngày càng hoàn thành thắng lợi công cuộc xây dựng NTM, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện mà địa phương đề ra.

Theo khảo sát mới đây của đơn vị chuyên môn, đến thời điểm này Quảng Ninh có 23.000 hộ dân nhận đất rừng để bảo vệ, sản xuất, chủ yếu là trồng các loại cây keo, thông, quế, hồi, cây gỗ bản địa… Phần lớn các hộ làm rừng có thu nhập ổn định, nhiều trong số đó trở thành những triệu phú, tỷ phú rừng. Rừng trở thành sinh kế chính của người dân, cũng là lĩnh vực kinh tế thế mạnh của nhiều địa phương.

Anh Nịnh Văn Trắng (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) là một điển hình tỷ phú bước ra từ rừng. Khởi nguồn chỉ là nhận đất rừng trồng cây keo sản xuất, kết hợp thu hái trà hoa vàng trong rừng tự nhiên; rồi đến việc làm chủ quy trình trồng cây trà hoa vàng, chế biến sản phẩm thương mại từ trà hoa vàng… giờ đây thu nhập của anh Trắng đạt 3-4 tỷ đồng/năm.

Câu chuyện của tỷ phú rừng Nịnh Văn Trắng còn tạo ra sự lan tỏa để huyện Ba Chẽ nhân rộng mô hình trồng cây trà hoa vàng, xây dựng và phát triển lễ hội trà hoa vàng hằng năm, chọn loại cây lâm sản chính mang lại nguồn thu cho người dân cũng như mở ra hướng phát triển lâm nghiệp mới cho huyện.

Cây thông nhựa đang mang lại nguồn thu ổn định, bền vững cho người làm rừng.

Sẽ có đột phá từ khu vực kinh tế rừng

Nhìn nhận rất rõ tiềm năng, lợi thế, vị thế, giá trị từ rừng, Quảng Ninh từ nhiều năm qua triển khai hàng loạt các chính sách làm giàu rừng và làm giàu từ rừng. Mới đây nhất, Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đã đưa ra cái nhìn mới, tổng thể, năng động hợp xu thế phát triển về kinh tế rừng. Trong đó, từ năm 2021, nhiều chính sách cụ thể hiện thực hóa Nghị quyết này sẽ được áp dụng.

Trước mắt, đáng chú ý là khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; thúc đẩy việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; quy hoạch lại công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng tăng chế biến sâu, thu hẹp hoạt động băm dăm gỗ…

Theo ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mục tiêu của những chính sách trên là tạo cho Quảng Ninh vùng nguyên liệu rừng rộng lớn, chất lượng cao, đồng thời tạo ra ngành công nghiệp chế biến lâm sản hiện đại, hội nhập và giá trị. Điều này không chỉ đảm bảo mang lại thu nhập cao cho người làm rừng, mà còn mang lại cho tỉnh vị thế và giá trị của kinh tế rừng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.

Gia đình anh La Thế Đông, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu thu hoạch hồi.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng lấy rừng làm hạt nhân phát triển hơn nữa các ngành kinh tế liên quan. Đơn cử như việc bảo vệ và phát triển tốt hơn 2.700ha rừng quốc gia Yên Tử làm vành đai, vùng đệm, điểm nhấn để bảo vệ và phát triển di sản Yên Tử; 6.000ha rừng ngập mặn Đồng Rui, 12.000ha rừng Vườn Quốc gia Bái Tử Long là nơi lưu giữ, sinh sôi, phát triển các loại hải sản quý giá, hình thành những thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp trong lòng rừng để phục vụ phát triển du lịch; 10.600ha rừng phòng hộ Yên Lập đảm bảo cho nguồn nước sạch phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và đời sống sinh hoạt của con người.

Hay gần đây nhất, tỉnh đồng ý cho doanh nghiệp nghiên cứu 1.135ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng giàu có, đa dạng sinh thái động thực vật, để đầu tư đại dự án Quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Vinpearl Safari Hạ Long. Đây sẽ là mô hình công viên rừng độc đáo bậc nhất Việt Nam với các hạng mục nội hàm chính là vườn thú bán hoang dã quy mô phục vụ đến 8.000 người, các hạng mục đi kèm là lưu trú, giải trí, spa… cao cấp, giao thông kết nối khu du lịch Vinpearl Safari Hạ Long là hệ thống cáp treo và đường bộ trên không…

Như vậy, cùng với Vịnh Hạ Long, Vinpearl Safari Hạ Long sẽ là một điểm nhấn mới của du lịch Quảng Ninh cũng như toàn quốc, mang lại những giá trị rất lớn cho người dân và cho tỉnh.

Rừng ngập mặn Đồng Rui đang được bảo vệ tốt.

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, khẳng định: Những chuyển động tích cực trên đã và đang cho thấy rõ giá trị của rừng Quảng Ninh. Kinh tế rừng của Quảng Ninh sẽ còn đạt được những kết quả phấn khởi hơn khi những hoạch định, chính sách mới về rừng được áp dụng và đi vào cuộc sống thời gian tới.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202102/lam-giau-ben-vung-tu-rung-2521580/