Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần bị xử lý thế nào?

Tùy cách thức, thủ đoạn làm giả mà cơ quan tố tụng xác định có hay không hành vi phạm tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ hay Làm giả con dấu tài liệu.

Công an Hà Nội vừa thông tin về việc điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo đó, có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.

Việc làm giả hồ sơ bệnh án không phải là vấn đề mới phát sinh, chỉ vì muốn trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn nhờ đến các cá nhân hỗ trợ làm hồ sơ bệnh giả. Vậy, hành vi này bị xử lý thế nào?

Nhiều kẻ gây án thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần giả. Ảnh minh họa.

Nhiều kẻ gây án thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần giả. Ảnh minh họa.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông cho biết với hồ sơ bệnh án tâm thần giả do các bệnh viện tâm thần địa phương làm ra, cần phải làm rõ cách thức, thủ đoạn làm giả, người làm giả để có căn cứ xác định có hay không có tội phạm và phạm tội gì.

Theo luật sư Dũ, với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ. Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao.

"Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án, thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS 2015), người đưa tiền có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS 2015)", luật sư Dũ phân tích.

Còn nếu không chứng minh được tình tiết đã hoặc sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội có thể bị xem xét về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS 2015); hoặc tội danh Giả mạo trong công tác (Điều 359 BLHS 2015).

Trong trường hợp người làm giả là những cá nhân không được phân công công việc đó, luật sư Dũ cho rằng sẽ xác định họ không có chức vụ, quyền hạn đối với việc làm giả. Do đó, họ sẽ không bị định tội danh đối với nhóm về chức vụ, mà có thể xem xét theo tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS 2015).

Về trách nhiệm đối với người sử dụng hồ sơ giả, nếu họ có mục đích dùng hồ sơ để trốn tránh việc bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật (không chứng minh được có tội Đưa hối lộ), thì có thể bị xem xét theo tội danh Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Việc làm giả giấy tờ trên thực tế không chỉ do những người trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện mà còn do những người khác thực hiện. Trường hợp này được xác định là giả về nội dung và hình thức.

“Việc làm giả giấy tờ diễn ra rất phức tạp trong thực tế và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc làm giả không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác cho xã hội. Các ngành, các cấp và mọi người dân cần chung tay đấu tranh, ngăn chặn, tạo môi trường xã hội bình đẳng, văn minh", luật sư nói thêm.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lam-gia-ho-so-benh-an-tam-than-bi-xu-ly-the-nao-post867457.html