Làm gì với nhà văn hóa cộng đồng bỏ hoang?

Hầu hết các thôn, buôn của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên đều được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ khá lớn số nhà văn hóa cộng đồng này nhiều năm qua đóng cửa, ít người lui tới.

Nhà cộng đồng trơ trọi giữa bãi đất trống cỏ mọc um tùm

Nhà cộng đồng trơ trọi giữa bãi đất trống cỏ mọc um tùm

Nằm ngay bên quốc lộ 14 là nhà văn hóa cộng đồng xã Hòa Phú (thành phố Buôn Ma Thuột) cùng công trình vệ sinh được xây dựng kiên cố, nhưng xung quanh bị cỏ dại mọc um tùm. Nhà văn hóa rộng 120m2 này được xây dựng năm 2008 trên khuôn viên rộng 1.000m2, với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng, dành cho 2 buôn Tuôr và buôn M’Brê sinh hoạt. Nhưng tới năm 2010, buôn Tuôr và buôn M’Brê lại được đầu tư xây dựng mỗi buôn riêng một nhà văn hóa cộng đồng nữa, từ đó nhà cộng đồng chung không ai tới.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang-Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú, xã từng muốn sử dụng nhà văn hóa cộng đồng chung này làm trung tâm học tập cộng đồng, nhưng do vị trí xa trung tâm, nên lâu nay nhà văn hóa này đóng cửa. Sắp tới, xã sẽ đầu tư kinh phí để sửa chữa nâng cấp, kết hợp xây dựng sân bóng đá bên cạnh, biến thành khu vui chơi văn hóa, thể thao.

Đến nhiều xã ở các huyện Buôn Đôn, Cư Mgar, Lắk, Krông Pắk… chúng tôi thấy nhiều nhà cộng đồng đứng trơ trọi giữa bãi đất rộng không tường rào, không sân, không nhà vệ sinh. Già làng Y Krai Cil (huyện Lắk, Đắk Lắk) cho biết: Đối với đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên khi chọn đất lập làng phải chọn nơi có nguồn nước tốt, nhà rông hay nhà dài cũng phải được xây ở vị trí đẹp ở trung tâm. Nhưng cán bộ nhiều nơi tự xây nhà văn hóa cộng đồng không tham vấn phong tục tập quán đồng bào, nên bà con không thích.

Theo cán bộ Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, văn hóa của đồng bào bản địa luôn đề cao sự gắn kết cộng đồng. Bây giờ không gian nhà dài còn rất ít, nên mọi sinh hoạt của buôn làng đều tập trung tại nhà cộng đồng buôn.

Do thiết kế nhà cộng đồng chưa phù hợp nên ít nhiều gây khó khăn cho việc sinh hoạt văn hóa. Nhiều nhà cộng đồng chật hẹp, rất khó tổ chức các hoạt động tập thể như lễ hội, vui chơi. Đa số nhà cộng đồng không được đầu tư đồng bộ, thiếu trang thiết bị, không có khu vệ sinh, điện, nước, thiếu các vật dụng văn hóa thiết yếu như cồng chiêng…

Theo Báo cáo “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Nhà Văn hóa cộng đồng” do Sở VH-TT-DL Đắk Lắk trình bày từ tháng 1/2018, toàn tỉnh hiện có 609 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó có 585 buôn được sinh hoạt tại 577 Nhà VHCĐ. Giai đoạn năm 2003 đến tháng 4/2006, có 458 Nhà VHCĐ được đầu tư xây dựng, tổng kinh phí là 40,7 tỷ đồng. Trong đó, “có khoảng 51,5% số Nhà văn hóa cộng đồng tổ chức tốt các hoạt động, thực hiện tốt vị trí, chức năng và nhiệm vụ, số còn lại hoạt động trung bình, yếu và không hoạt động.”

H.T.N.- Nguyễn Thảo

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/lam-gi-voi-nha-van-hoa-cong-dong-bo-hoang-1403265.tpo