Làm gì khi trẻ hay đái dầm?

Chứng đái dầm là rối loạn thói quen thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Chứng bệnh này thường xảy ra vào ban đêm.

Đái dầm gây không ít phiền muộn cho các bậc làm cha mẹ, ngay cả trẻ lớn. Vậy, khi trẻ hay đái dầm cần làm gì giúp cải thiện vấn đề này?

Ở người lớn, dung tích của bàng quang có thể đạt đến 300ml nước tiểu, đến lúc này sẽ có phản xạ kích thích gây buồn tiểu và dưới sự chỉ huy của vỏ não người lớn tự chủ đi tiểu.

Ở trẻ em, dung tích bàng quang chưa phát triển đến như vậy nhưng một số trường hợp khi nước tiểu chứa đầy bàng quang nhưng không có phản xạ buồn tiểu mà nước tiểu cứ chảy ra gọi là đái không tự chủ lúc ngủ (đái dầm). Đây là một thói quen hay gặp nhất ở trẻ nhỏ, nhưng khi trẻ đã lớn trên 7 tuổi mà vẫn bị đái dầm chứng tỏ có điều bất thường.

Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ đi tiểu vào lúc trẻ thường hay đái dầm.

Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ đi tiểu vào lúc trẻ thường hay đái dầm.

Nguyên nhân do đâu?

Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định chắc chắn nguyên nhân chính gây đái dầm ở trẻ, nhưng thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu (bàng quang bé), hoặc do hệ thần kinh phát triển chậm hoặc do nhiễm trùng đường tiểu (viêm bàng quang) hoặc hẹp bao quy đầu (trẻ trai).

Nhiều trường hợp trẻ trai bị hẹp bao quy đầu làm nhiễm trùng đường tiểu gây đái dắt, đái buốt và đái dầm vào ban đêm. Một số tác giả cho rằng do tác động tâm lý (căng thẳng thần kinh bởi thầy cô giáo, cha mẹ, gia đình...). Một số trường hợp khi căng thẳng thần kinh, trẻ đã bị đái dầm lại càng bị trầm trọng thêm do bố mẹ la mắng, bị người khác trêu chọc...

Một số nhà chuyên môn cho rằng, đái dầm còn có yếu tố di truyền, bởi có nghiên cứu cho thấy, nếu bố hoặc mẹ lúc còn nhỏ đái dầm, sinh con ra có thể bị đái dầm (44%), nếu cả bố và mẹ đều bị chứng đái dầm lúc bé, các con sinh ra có tỷ lệ đái dầm cao hơn (77%).

Một số nghiên cứu cho thấy, ban đêm, não người sản xuất một loại hormon là vasopressin, hormon này giúp làm giảm lượng nước tiểu sản xuất ở thận, cho phép chúng ta ngủ tới sáng mà không phải dậy đi tiểu, bởi vậy, khi cơ thể sản xuất không đủ hormon này có thể gây đái dầm.

Ngoài ra, đái dầm có thể do trạng thái tâm lý của trẻ bị đảo lộn, ví dụ như chuyển nhà mới nhưng trẻ không thích ngôi nhà đó hoặc không thích nhà ở khu vực đó hoặc trẻ phải chuyển trường, chuyển lớp học vì một lý do nào đó làm cho trẻ bực bội, khó chịu.

Đái dầm ở trẻ được tạm chia làm hai loại, đó là đái dầm tiên phát, có nghĩa là trẻ đái dầm từ bé đến lớn và liên tục không có khoảng ngừng, loại này chiếm đa số (khoảng 90%) trong các trường hợp chứng đái dầm.

Loại thứ hai là loại đái dầm thứ phát, nghĩa là trước đó trẻ bị đái dầm nhưng về sau có một khoảng thời gian không bị đái dầm nhưng sau đó lại tái phát.

Làm gì khi trẻ bị đái dầm?

Trước khi đưa trẻ đi khám bệnh cần động viên, an ủi, tình cảm với trẻ để trẻ không mặc cảm, không căng thẳng thần kinh làm bệnh nặng thêm. Tránh quát mắng trẻ, đổ lỗi cho trẻ làm ảnh hưởng đến cha mẹ bởi phải giặt giũ quần áo do trẻ tè dầm ra. Nên kiên trì nhắc nhở trẻ đi tiểu vào lúc trẻ thường hay đái dầm, tốt nhất đặt chuông báo thức và chịu khó đánh thức trẻ dậy đi tiểu (bởi vì, nhiều trường hợp đã đặt chuông báo thức nhưng trẻ không thể dậy do quá buồn ngủ).

Luôn nhắc nhở trẻ vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài để tránh viêm nhiễm đường tiết niệu, đặc biệt là trẻ em gái. Bởi vì ở trẻ em gái có cấu tạo lỗ tiểu rất gần với hậu môn, niệu đạo ngắn hơn bé trai nên rất dễ bị nhiễm trùng ngược dòng, có thể gây đái dầm.

Vì vậy, cần hướng dẫn trẻ khi vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài phải dội nước từ trước ra sau. Nếu đã thực hiện tốt các việc làm như vậy mà bệnh của trẻ không khỏi hoặc không thuyên giảm, cần cho trẻ đi khám nhi khoa để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó sẽ được điều trị và tư vấn.

Với nguyên nhân viêm đường tiết niệu, ngoài việc có thể bị đái dầm còn bị viêm tiết niệu ngược dòng ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của đường tiết niêu, thậm chí gây nguy hiểm.

Với trẻ em trai khi bị hẹp bao quy đầu cần được điều trị sớm bằng kỹ thuật nong bao quy đầu hoặc lộn bao quy đầu...

BS. Nguyễn Văn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-gi-khi-tre-hay-dai-dam-n171349.html