Làm gì khi tín dụng ngoại tệ bị siết?

Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thích ứng với quyết định chấm dứt cho vay ngoại tệ của NHNN, cũng như việc siết chặt các giao dịch thanh toán có liên quan ngoại tệ tiềm ẩn rủi ro từ phía các ngân hàng.

Kể từ 1/10 vừa qua, các ngân hàng không còn được cho vay ngoại tệ ngắn, trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa để sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước.

Dư nợ tín dụng ngoại tệ quy đổi của một số ngân hàng đến ngày 30/9/2019

Dư nợ tín dụng ngoại tệ quy đổi của một số ngân hàng đến ngày 30/9/2019

Xoay xở

Có quan hệ tín dụng ngoại tệ và thanh toán quốc tế lâu năm với Vietcombank, một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam khá bất ngờ khi ngân hàng này thông báo ngừng chấp nhận thanh toán quốc tế đối với các đơn hàng chuyển khẩu.

Theo đại diện của doanh nghiệp này, phía ngân hàng giải thích rằng, thực hiện Thông tư 42/2018/TT-NHNN của NHNN, các TCTD không cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ để thực hiện nghiệp vụ chuyển khẩu hàng hóa nông sản và không cho bảo lãnh hay thanh toán quốc tế đối với nghiệp vụ này.

“Vẫn biết thực hiện chống đô la hóa là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, song các khoản cho vay ngoại tệ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu – tuy nói là linh hoạt nhưng thực tiễn gây khó khăn, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của doanh nghiệp. Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính khu vực, phát huy mọi lợi thế và kiến tạo môi trường kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng một quy định chung chung như thế, cũng đã khiến doanh nghiệp ngay trên sân nhà chưa đánh đã thua, thì làm sao có thể hướng đến trung tâm tài chính đảm bảo mọi giao thương quốc tế”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói trên nhấn mạnh.

Việc không được vay ngoại tệ sẽ buộc các doanh nghiệp phải chuyển sang vay VND với lãi vay cao gấp đôi để mua ngoại tệ thanh toán cho đối tác nước ngoài, làm đội chi phí vốn của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch một Hiệp hội doanh nghiệp ở phía Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cũng đã và đang gặp khó khăn nhất định khi tín dụng ngoại tệ bị siết lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang thích ứng dần với quy định mới theo hướng cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng, đồng thời nhận giải ngân VND/hợp đồng để thu gom nguyên liệu trong nước sản xuất hàng xuất khẩu.

Ứng phó

Đối với các trường hợp từ chối nhận chiết khấu bộ chứng từ trên hợp đồng mua bán chuyển khẩu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, TS. Huỳnh Trung Minh- Chuyên gia ngân hàng cho rằng hoạt động chuyển khẩu mà hàng hóa không qua cửa khẩu Việt Nam là một giao dịch cần thiết trong giao thương quốc tế, nhưng mỗi tổ chức tín dụng sẽ có những đánh giá khác nhau về rủi ro để quyết định cho vay ngoại tệ.

“Nhận chiết khấu bộ chứng từ đồng nghĩa nhận ứng trước/ cho vay ngoại tệ. Do đó, các ngân hàng sẽ thận trọng xem xét thực hiện sao cho đúng quy định của pháp luật”, TS. Huỳnh Trung Minh cho biết.

TS. Huỳnh Trung Minh cho biết thêm, có những thời điểm thay vì ưu tiên tăng doanh thu phí dịch vụ thanh toán quốc tế, các ngân hàng sẽ ưu tiên đánh giá rủi ro dòng tiền, hàng hóa hoặc các mục tiêu khác. Điều đó không có nghĩa, các ngân hàng chặn cửa thanh toán quốc tế, mà vẫn linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ quy định. “Nếu doanh nghiệp chứng minh được hoạt động chuyển khẩu có thực tế giao dịch, thì sẽ không lo ngân hàng không mở cửa”, ông Minh nói.

TS. Cấn Văn Lực– Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho rằng, trong thời gian đầu siết tín dụng ngoại tệ, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, nhưng về lâu dài, doanh nghiệp sẽ nhận thức được quy định này là hợp lý. “Từ nay đến năm 2020, với diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá VND/USD tương đối ổn định, nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp trong nhóm đối tượng được vay vẫn đáp ứng được và không có gì đáng quan ngại”, ông Lực cho biết.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/lam-gi-khi-tin-dung-ngoai-te-bi-siet-160414.html