Làm gì khi con nghiện điện thoại: Hãy nghe giải pháp gợi ý từ chuyên gia

Đối với những trẻ nghiện sử dụng điện thoại, cha mẹ hãy có giải pháp phù hợp thay vì cấm đoán con không được sử dụng các thiết bị điện tử này.

Nguyên nhân trẻ nghiện điện thoại

Điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh khác luôn là “món đồ chơi” không bao giờ nhàm chán đối với mọi trẻ em. Với bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, trẻ em luôn thích thú cầm trên tay chiếc điện thoại, ipad của cha mẹ. Lâu dần, trẻ mắc hội chứng nghiện điện thoại, ipad và các thiết bị điện tử khác.

Đối với trẻ từ 6 tháng – 3 tuổi, nhiều cha mẹ trong khi tập cho con ăn dặm lại dùng điện thoại để dỗ trẻ ăn dễ hơn. Khi trẻ khóc lóc, cha mẹ lại dùng điện thoại để cắt cơn ăn vạ. Thói quen thích sử dụng điện thoại của trẻ cũng bắt đầu hình thành từ đây.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em nghiện điện thoại - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh), cho biết ngày nay các thiết bị điện tử như smarphone, tivi, ipad đều có mạng kết nối với các trang web. Việc trẻ tiếp cận với nguồn video giải trí này rất lớn. Mặc dù nhiều cha mẹ biết nguy cơ trẻ nghiện điện thoại là hiển nhiên nhưng việc cắt giảm thật sự khó khăn.

Trẻ rất dễ nghiện điện thoại nếu tiếp xúc thường xuyên - Ảnh minh họa: Internet

Trên điện thoại, trẻ có thể khám phá vô số các trò chơi, những video mang tính giải trí. Những đoạn clip ca nhạc hoặc phim hoạt hình này thường thu hút sự tập trung của trẻ, làm tốn thời gian của con dẫn đến hội chứng nghiện điện thoại.

Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại bận rộn khiến nhiều bậc cha mẹ không có thời gian dành cho con. Lúc này, phụ huynh cho phép con tự do sử dụng điện thoại khi ở nhà. Hậu quả là tình trạng nghiện smarphone, ipad và các thiết bị điện tử ở trẻ ngày càng nặng.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ nghiện điện thoại?

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết, rất khó để cấm đoán những trẻ đã nghiện điện thoại không sử dụng thiết bị này. Để khắc phục, cha mẹ nên hạn chế thời gian trẻ sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử. Nội dung những video trẻ xem trên điện thoại cũng cần được định hướng.

Cha mẹ nên quản lý thời gian con dùng điện thoại để giải trí - Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, cha mẹ có thể chọn một dạng video khác đảm bảo cả tính chất giải trí và thông điệp truyền tải gần gũi. Những loại video đó có thể là những clip ca nhạc hoặc những nhân vật hoạt hình gần gũi, hình ảnh đẹp. Bên cạnh đó, nội dung của video sẽ mang những bài học giá trị về cuốc sống và hoạt động thường ngày của trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, báo cáo của nhóm tiến sĩ Sarah R., Đại học Temple (Mỹ), cho biết những video truyền tải những hình ảnh quen thuộc như đánh răng, đi ngủ, tắt đèn, đi tắm... sẽ giúp trẻ gợi nhớ lại những hoạt động thực hiện trong ngày. Từ đó tạo nên hình ảnh khắc sâu vào não bộ, giúp ích cho quá trình học hỏi nội dung thay vì trẻ chỉ xem những nội dung thông thường.

Hãy định hướng cho con trẻ xem các video có tính giáo dục và không chơi điện thoại quá lâu - Ảnh minh họa: Internet

Về mặt nguyên tắc, cha mẹ không nên để trẻ dưới 3 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử nhằm tránh gây ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, không ít các bậc cha mẹ vẫn để con dùng điện thoại khi trẻ chưa tròn 3 tuổi.

Do đó, việc cha mẹ cần làm là có thể cho trẻ sử dụng và xem các video có giá trị và giới hạn thời gian sử dụng đối với những trẻ có dấu hiệu nghiện điện thoại.

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/lam-gi-khi-con-nghien-dien-thoai-hay-nghe-giai-phap-goi-y-tu-chuyen-gia-c21a302385.html