Làm gì khi con học mẫu giáo không thích chơi với cô, với bạn?

Câu chuyện của người mẹ trẻ có thể nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều bà mẹ về những thay đổi tâm, sinh lý của con trước mỗi tác động từ người thân, thầy cô, bạn bè.

 Trẻ quấy khóc ngày đầu tiên đến trường là hiện tương tâm lý phổ biến. Ảnh minh họa

Trẻ quấy khóc ngày đầu tiên đến trường là hiện tương tâm lý phổ biến. Ảnh minh họa

Vợ chồng cô lấy nhau hơn 5 năm và có một con gái gần 5 tuổi. Gần đây, con gái cô có một số biểu hiện lạ như tự chơi và nói chuyện một mình. Ban đầu, cô nghĩ là bình thường, không để ý. Nhưng đầu tuần vừa rồi, cô giáo đã gặp và trao đổi với cô. Bé Bông, con gái cô, có xu hướng thích chơi một mình, không thích chơi cùng các bạn. Con thường lấy một ít đồ chơi rồi ra góc lớp nói chuyện một mình. Hoặc trong khi cả lớp đang ngủ thì con đứng dậy múa và cười khúc khích, vui vẻ như đang chơi với bạn. Cô giáo đã khuyến khích con nhưng con vẫn chưa hòa đồng.

Buổi chiều về, cô đưa con tới khu vui chơi và quan sát con. Quả thật, con không thích chơi đồ chơi cùng các bạn khác, mà chỉ chơi một mình. Lúc về, con vẫn rất vui vẻ và trả lời là rất thích. Khi cô hỏi: "Bông ơi, mẹ không thấy con chơi cùng các bạn nhưng thấy con cứ nói chuyện. Con nói với ai vậy?". Bé Bông ngập ngừng rồi hồn nhiên trả lời: "Là bạn bóng đó mẹ, con rất thích chơi với bạn bóng". Cô nổi cả da gà khi nghe con trả lời. Có nhiều luồng suy nghĩ đã chạy qua đầu của cô lúc ấy: "Bạn bóng? Bóng nào? Hay là con có giác quan nhạy cảm, con đã nhìn thấy điều gì?...". Cô sợ hãi hỏi con: "Bạn bóng của con đâu, cho mẹ chơi cùng với, sao con không kể cho mẹ về bạn ấy?". "Bí mật ạ, con không kể với mẹ đâu!".

Cô cố tỏ ra bình tĩnh về người bạn mới của con và mọi hoạt động chăm sóc con vẫn diễn ra như bình thường. Sau khi con ngủ, cô mới kể chuyện này cho chồng. Hai vợ chồng đã tìm hiểu và rất lo lắng về triệu chứng kì lạ này của con. Vợ chồng cô đã trao đổi với nhau tới hơn 3 giờ sáng về việc đó có phải là một dấu hiệu của trẻ tự kỉ? Hay điều gì đã khiến con có xu hướng thích chơi với cái bóng hơn các bạn trong lớp?

Hôm sau, cô lại trò chuyện cùng con về "bạn bóng". Thật may mắn, con chỉ đúng cái bóng của mình, chứ không phải một "bóng" nào khác mà khiến mẹ lo sợ. Nhưng con lại tâm sự, kể cho mẹ biết một bí mật: "Bạn bóng có nói chuyện cùng con nhưng cô giáo và các bạn khác không nghe thấy, chỉ mình con nghe được thôi! Cô giáo vừa đổ đồ chơi ra, các bạn khác đã tranh cướp hết không cho con chơi, nên con chơi cùng với bạn bóng". Cô thực sự lo lắng cho con gái...

Nguyên nhân có lẽ một phần do con chưa thích nghi được với việc gia đình chuyển chỗ ở. Năm ngoái ở nhà cũ, con có 2 người bạn rất thân là bé Sóc và bé Thỏ. Lúc nào các con cũng chơi cùng nhau, từ lúc ngủ dậy đến khi đi học về. Ngoài ra, còn nhiều anh chị học cấp 1 khác nữa. Khu chung cư luôn ngập tiếng cười của trẻ nhỏ, vui vẻ vô cùng. Năm nay, gia đình cô mới chuyển nhà, con chưa quen được bạn mới. Những lúc bố mẹ bận, con chỉ có thể chơi một mình. Đã nhiều lần con chia sẻ về việc nhớ các bạn cũ và muốn được về nhà cũ ở nhưng cô chỉ giải thích theo phương diện hoàn cảnh rồi quên nhanh việc đó.

Đã vậy, 2 đợt nghỉ dịch Covid-19 vừa rồi cũng khiến con bị ngắt quãng việc học và thích nghi với trường mới. Đi học chưa đầy 2 tháng thì con nghỉ tránh dịch đến 3 tháng. Vừa đi học lại được 2 tuần lại nghỉ tiếp thêm 1 tháng. Trong thời gian nghỉ, con thường phải chơi một mình vì bố mẹ bận việc. Có lẽ bởi vậy, con đã tự nghĩ ra một người bạn mới. Con chia sẻ, con thường tâm sự, nói chuyện, nhảy múa và nô đùa cùng "bạn bóng". Thậm chí, con còn mải chơi với "bạn bóng", không ngủ trưa... Nghe con kể mà cô thấy thương con quá. Nhưng cô không biết nên ứng xử sao với người bạn mới này của con, có cần cấm ngay việc con chơi với cái bóng, hay tiếp tục để "bạn bóng" tồn tại trong suy nghĩ của con?

Thanh Tâm trấn an người mẹ trẻ và khuyên cô nên kết hợp cùng các cô giáo trong trường để hỗ trợ con. Do đang ở một môi trường quen thuộc, con phải chuyển tới một nơi ở mới, nên con dễ bị sốc tâm lý. Có thể vì chưa có bạn thân nên con đã nghĩ ra người bạn mới, đó chính là cái bóng của mình. Từ giờ, bố mẹ cần chú ý hơn tới tâm trạng và cảm xúc của con. Tích cực nói chuyện về "bạn bóng" để giải thích về sự xuất hiện của "bạn bóng", về việc ai cũng có một "bạn bóng" của riêng mình, về việc "bạn bóng" sẽ không cùng tham gia vào nhiều hoạt động tập thể...

Có thể nhờ cô giáo sắp một số bạn hòa đồng trong lớp chơi cùng con để con thấy việc chơi cùng các bạn cũng rất vui. Không nên cấm đoán và có thái độ gay gắt khiến con sợ hãi, càng khiến con giấu giếm nhiều tâm sự với bố mẹ hơn. Ngoài ra, có thể tạo điều kiện cho con kết nối với những người bạn cũ để con tăng việc giao tiếp với người thực, dần quên vai trò quan trọng của "bạn bóng" đối với con. Nếu các cách can thiệp của bố mẹ và cô giáo không giúp con cải thiện, bố mẹ nên tìm một bác sỹ tâm lý để nói chuyện, giúp con cân bằng tâm lý. Chúc bé Bông hồn nhiên, trong trẻo sẽ nhanh chóng tìm thấy niềm vui bên những người bạn thực sự của mình.

Thanh Tâm

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lam-sao-khi-con-di-hoc-mau-giao-khong-thich-choi-voi-co-voi-ban-20200925155342687.htm