Làm gì khi con bị gán là 'đồ phản bội, kẻ xấu xa'?

Bắt nạt học đường ở tuổi teen có nhiều kiểu, từ bắt nạt tinh thần đến bạo lực thể xác. Điều quan trọng là cha mẹ sớm nhận ra những biểu hiện lạ của con để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ.

Bắt nạt học đường xảy ra nhiều nhất vào thời điểm trẻ bắt đầu vào trung học cơ sở. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất liên quan tới đặc điểm lứa tuổi.

Từ nói xấu, bắt nạt tinh thần...

Một phụ huynh ở Hà Nội cho biết chị đã "lên tăng xông" khi phát hiện con gái khi thì bình phẩm bạn A, bạn B, lúc thì bất bình với bạn C vì một việc nào đó. Nhưng chỉ khi con nói "muốn chuyển lớp" chị mới thực sự lo ngại.

Ảnh: Sec-Ed

Ảnh: Sec-Ed

Hỏi con vì sao, cô bé kể: Trong lớp, các bạn nữ và một số bạn nam chia làm ba nhóm. Một nhóm trung lập gồm các bạn có lực học ở mức trung bình, hai nhóm còn lại đều là những bạn học giỏi, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động của lớp.

"Mẹ không biết các bạn nói xấu nhau ghê thế nào đâu. Mà không chỉ nói trên lớp, các bạn còn lên Facebook nói kiểu cạnh khóe. Không chỉ đích danh nhưng ai trong lớp con cũng biết là nói ai. Con không thích việc này và đã phản đối nên các bạn trong nhóm cho rằng con phản bội", cô bé kẻ.

Và trong vai "kẻ phản bội", ngày nào cô bé cũng nhận những lời dèm pha, mỉa mai. "Có khi con nhận được mảnh giấy của bạn để trong ngăn bàn. Bạn bảo con học thì giỏi nhưng là kẻ xấu xa. Có lần khi con vào lớp đã thấy dòng chữ viết trên bảng "đồ phản bội".

"Con khóc không ngừng được và cô giáo đã phải đưa con xuống phòng tư vấn tâm lý của trường. Nhưng con không thể kể ra vì sợ các bạn trong nhóm sẽ bị phạt. Khi đó, chắc "tội" của con với các bạn càng lớn hơn", cô bé kể lại.

Một học sinh lớp 8 trường K.T, Hà Nội thì bị "bắt nạt tinh thần" trong suốt một học kỳ khi chuyển về Hà Nội chỉ vì là "dân tỉnh lẻ". Từ chỗ là học sinh học giỏi, làm lớp trưởng, cô bé sống thu mình, thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở là lơ đãng, không tập trung trong giờ học.

Trường hợp khác, con gái một chuyên gia giáo dục. Cô bé sinh ra và lớn lên ở Singapore, đến năm cháu vào lớp 7 thì gia đình về Việt Nam.

Tuần đầu tiên học ở trường mới, cô bé liên tục bị mất đồ, cha mẹ không biết nên cứ trách con không cẩn thận. Rồi chuyện học hành, giờ giấc sinh hoạt của cô bé thay đổi bất thường...

"Gặng hỏi thế nào con cũng không nói. Thật may là con bé xả stress bằng cách vẽ. Nhờ những hình vẽ đó tôi biết con bị bắt nạt ở trường: nhóm bạn gái trong lớp không cho con bé đi cửa chính, phải đi cửa phụ len qua các dãy bàn; ngồi học thì bị bạn cùng bàn chiếm chỗ, giấu đồ dùng học tập, sách vở...", người cha kể.

Làm gì để giúp con?

Đầu tiên, cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu cho thấy con bị bắt nạt:

- Thường xuyên mệt mỏi, có thể bỏ ăn, mất ngủ. Một số trường hợp bị nặng có dấu hiệu đau bụng, bị ói sau khi ăn.

- Thay đổi thái độ, hành vi: Lo lắng, ít nói, thu mình không muốn giao tiếp.

- Thường xuyên bị mất đồ.

- Không dám tự đến trường.

- Không có bạn trong thời gian ở trường.

- Kết quả học tập giảm sút, hay bị nhắc nhở do lơ đãng, thiếu tập trung trong giờ học, không hoàn thành các yêu cầu của giáo viên khi ở trường.

Nếu nghi ngờ con bị bắt nạt, hãy:

- Tìm cách nói chuyện để con kể lại những gì đã xảy ra, phản ứng của con sau mỗi lần bị bắt nạt là gì.

- Hướng dẫn con cách thoát khỏi những tình huống dễ bị bắt nạt và trong các tình huống nguy hiểm thì nên nhờ ai giúp đỡ.

- Cho con tham gia vào các hoạt động thể chất như đi bơi, đi dạo bộ, nghe nhạc để thư giãn. Các hoạt động chia sẻ với cộng đồng cũng có ích, nhất là đối với những đứa trẻ "thích bắt nạt".

- Khích lệ trẻ vượt qua khó khăn, để trẻ thấy rằng có thể tự tin, tự hào về bản thân mình.

Theo Vĩnh Hà/Tuổi Trẻ

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/lam-gi-khi-con-bi-gan-la-do-phan-boi-ke-xau-xa-971855.html