Làm gì khi chồng không nhận nuôi con sau khi ly hôn

Xin Luật sư cho tôi hỏi, việc chồng tôi không thừa nhận con và không nhất trí cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn có đúng quy định pháp luật không?

Hỏi:

Vợ chồng tôi kết hôn được gần 4 năm, đã có 1 con chung 5 tuổi. Nay chúng tôi đang làm thủ tục ly hôn, chồng tôi không thừa nhận cháu bé là con của mình vì cho rằng cháu được sinh ra trước khi chúng tôi kết hôn nên từ chối việc cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Xin Luật sư cho tôi hỏi, việc chồng tôi không thừa nhận con và không nhất trí cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn có đúng quy định pháp luật không?

Trả lời:

Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định Xác định cha, mẹ như sau:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Như vậy, Theo quy định trên, con của vợ chồng bạn được sinh ra trước thời kỳ kết hôn nên nếu cả hai vợ chồng bạn thừa nhận thì sẽ là con chung của vợ chồng. Nhưng do tại thời điểm ly hôn chồng bạn mới không thừa nhận đứa bé là con của mình thì chồng bạn phải chứng minh và yêu cầu Tòa án giải quyết cùng với việc giải quyết việc ly hôn. Việc chứng minh có thể bằng kết quả xét nghiệm AND do chồng bạn cung cấp haowcj Tòa án trưng cầu giám định theo trình tự tố tụng dân sự.

Luật sư Hồ Thị Nhàn - Công ty Luật An Ninh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

Việc chồng bạn đơn phương cho rằng cháu bé không phải là con và từ chối việc cấp dưỡng là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Mặt khác, tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Với quy định nói trên, sau khi ly hôn, nếu chồng bạn không trực tiếp nuôi con thì phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng do hai bên tự thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án khi giải quyết ly hôn. Việc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng nếu không có lý do chính đáng (ví dụ như được Tòa án xác định đứa trẻ không phải là con chung; không có thu nhập để cấp dưỡng, …) thì sẽ không được Tòa án chấp nhận.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/lam-gi-khi-chong-khong-nhan-nuoi-con-sau-khi-ly-hon-d128004.html