Làm gì để vượt qua hàng rào phòng vệ thương mại?

Hàng rào phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước đã được xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây không ít những khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu doanh nghiệp (DN) Việt nắm vững các tiêu chuẩn, chuẩn bị đầy đủ thông tin, đáp ứng tốt yêu cầu của đối tác nhập khẩu, thì khó khăn sẽ biến thành cơ hội.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9-2019, đã có 154 vụ phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (30 vụ, chiếm 19%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); thứ ba là Ấn Độ (20 vụ, chiếm 13%); thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 9%). Dẫn đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (87 vụ, chiếm 56%), tiếp đó là các vụ tự vệ (33 vụ, chiếm 21%), các vụ chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá (19 vụ, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ chống trợ cấp (15 vụ, chiếm 10%).

Mới đây nhất, vụ mặt hàng thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đến 456% lại thêm một lời cảnh báo đối với các DN Việt. Theo Bộ Công Thương, ngành thép Việt Nam hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn tại một số thị trường do các nước đang tiến hành các biện pháp tự vệ. Gần nhất, ngày 8-11-2019, Canada đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn từ Việt Nam và một số nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4-7-2019 ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị quyết về một số biện pháp cấp bách tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Do đó, cùng việc hỗ trợ DN về pháp lý, trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương khuyến cáo DN thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Nếu các DN chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc từ các nước/vùng lãnh thổ được chấp nhận sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để hạn chế tình trạng bị điều tra chống lẩn tranh thuế là các cơ quan chức năng cần trao đổi, kết nối thông tin, cụ thể là giữa Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với cơ quan hải quan để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng xuất nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến, cũng như xác định DN có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.

Bên cạnh đó, cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh, ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ, thông qua việc chủ động, sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan hải quan, cơ quan điều tra của các nước, cũng giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN làm ăn chân chính.

Trong điều kiện ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia được ký kết thì DN Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường quốc tế có nhiều thách thức đòi hỏi các DN cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó, vượt qua các hàng rào phòng vệ thương mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường nhập khẩu hàng hóa.

Tại hội nghị “Đối thoại hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu” diễn ra mới đây, nhiều lãnh đạo các phòng chức năng của Bộ Công Thương đã chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến việc đánh giá thực trạng gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại tại Việt Nam, đồng thời nêu những giải pháp nhằm giúp các DN trong nước tìm được hướng đi đúng đắn, xuất khẩu hiệu quả cao. Phóng viên Báo Năng lượng Mới trích đăng một số ý kiến đó.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp

Hạn chế rủi ro gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại, ngăn ngừa các hành vi gian lận xuất xứ để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại là chủ đề nổi cộm thời gian gần đây tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý Nhà nước, DN đặc biệt quan tâm, triển khai các biện pháp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại một cách mạnh mẽ.

Từ năm 2018 tới nay, trước diễn biến quan hệ thương mại thế giới có nhiều yếu tố phức tạp, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các quốc gia đã gia tăng các biện pháp bảo hộ, phòng vệ thương mại như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ; đồng thời tăng cường giám sát luồng hàng hóa để ngăn chặn các hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với các DN nhằm hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu, từ đó giúp các DN Việt Nam có thêm hiểu biết, thông tin về các cam kết về phòng vệ thương mại và những tác động của các biện pháp này đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt ngăn chặn, chống gian lận xuất xứ để lấn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4-7-2019 ban hành Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đề án là một hành động, bước đi kịp thời, đúng đắn, để sớm ứng phó, giải quyết vấn đề này. Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị quyết về một số biện pháp cấp bách tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Trên cơ sở đề án, các bộ, ngành như công thương, tài chính đã nhanh chóng, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã chuẩn bị danh mục 25 mặt hàng cảnh báo sớm tới các cơ quản lý Nhà nước địa phương để tăng cường giám sát. Ngoài ra, trong số nhiệm vụ của đề án, nhiệm vụ nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý Nhà nước, DN về các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ là hết sức quan trọng, nặng nề. Bởi trên thực tế, có một số DN tham gia các vụ kiện đã nắm rõ về các biện pháp phòng vệ thương mại, song đa số DN, nhất là DN vừa và nhỏ, thậm chí các cơ quan quản lý Nhà nước tại nhiều địa phương chưa hiểu rõ, chưa nắm được đầy đủ về các quy định, tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu, liên quan tới chống gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: Ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng xuất khẩu

Hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu… chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài DN có hành vi kinh doanh bất chính. Tuy nhiên, hành vi này đã làm tăng chi phí rất lớn, ảnh hưởng tới nguồn lực của các DN làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ pháp luật, những quy định của các nước xuất khẩu. Gian lận xuất xứ gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. Hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng.

Chính vì thế, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh bị thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia có thể tiếp tục tăng lên, các DN trong nước cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ này để có sự chuẩn bị, tránh bị ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Ngành thép đang gặp nhiều khó khăn từ các biện pháp phòng vệ thương mại

Ngành thép đang gặp nhiều khó khăn từ các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo đó, Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại, sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với các DN nhằm hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu, từ đó giúp các DN Việt Nam có thêm hiểu biết, thông tin về các cam kết về phòng vệ thương mại và những tác động của các biện pháp này đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thông qua những hội nghị đó, cơ quan quản lý Nhà nước và các DN sẽ tập trung thảo luận về các tác động, thách thức và những vấn đề đặt ra của các biện pháp phòng vệ thương mại, giúp các DN hiểu rõ hơn các quy định về xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại, từ đó có hành động phù hợp dựa trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế trong các hoạt động xuất khẩu.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu: Đa dạng gian lận xuất xứ hàng hóa

Hiện nay có nhiều dạng gian lận xuất xứ, một số DN làm giả giấy xác nhận của địa phương; giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, cắt dán con dấu, thậm chí xin xác nhận của địa phương nhưng nội dung chung chung. Có rất nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu nhưng lại là bán thành phẩm. Chẳng hạn như sản phẩm khăn lụa, DN nhập cả chiếc khăn nhưng chỉ có thao tác thêm một đường diềm xung quanh chiếc khăn cũng nghiễm nhiên coi đó là khăn “Made in Vietnam”. Hay một công ty ở Tây Ninh khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, trong giấy tờ ghi là nhập hạt nhựa và sản phẩm cao su tổng hợp. Tuy vậy, khi về đến Việt Nam, công ty chỉ gia công thêm một số công đoạn nhỏ, nhưng khi xuất khẩu thì là sản phẩm thảm cỏ nhân tạo “Made in Vietnam”. Trong khi đó, thực chất khi DN nhập hàng về đã gần như là sản phẩm hoàn chỉnh rồi.

Nhiều DN rất tuân thủ các quy định về quy tắc xuất xứ nhưng chưa biết cách để chứng minh hàng hóa đáp ứng quy định về xuất xứ. Đơn cử, một DN ở Thái Bình có nguyên liệu đầu vào là vải, đầu ra là quần áo, về nguyên tắc đã bảo đảm quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, vải trong khai báo là vải dệt thoi, trong khi quần áo thành phẩm lại là vải dệt kim. Bản chất hai loại vải hoàn toàn khác nhau, không thể nào vải dệt thoi lại ra thành quần áo dệt kim. Một trường hợp khác, DN xuất khẩu hàng đá vôi sang Malaysia nhưng thay vì khai báo mặt hàng đá vôi bằng tiếng Anh thì lại ghi thành “da voi”. Kết quả, tất cả các lô hàng khai là “da voi” đều bị Malaysia chuyển về Việt Nam yêu cầu về chứng minh xuất xứ vì không biết “da voi” là sản phẩm gì.

Dù quy tắc xuất xứ quy định giống nhau nhưng chỉ một sai sót nhỏ, DN có thể không được hưởng ưu đãi thuế quan. Cùng với đó, không phải cứ tham gia FTA sẽ có gian lận xuất xứ mà gian lận xuất xứ chỉ xuất hiện trong một số bối cảnh và hàng hóa cụ thể. Thông thường, cơ quan hải quan nước ngoài sẽ tiến hành một loạt các hành động nhằm buộc DN phải chứng minh xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, mô tả quy trình sản xuất… Đó là những “đề bài” mà đến bất cứ một thị trường nào trong các FTA, DN sẽ được yêu cầu. Chính vì vậy, DN cần nắm vững các yêu cầu để chuẩn bị đầy đủ thông tin, dữ liệu và có những đáp án tốt đáp ứng yêu cầu phía đối tác, các quy định pháp lý của thị trường nhập khẩu hàng hóa.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lam-gi-de-vuot-qua-hang-rao-phong-ve-thuong-mai-559728.html