Làm gì để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển nhanh chóng trong thời gian qua với nhiều rủi ro tiềm ẩn cần được điều chỉnh bởi cơ quan quản lý để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng liên tục trong các năm qua

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng liên tục trong các năm qua

Tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro

Theo thống kê công bố từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và từ các doanh nghiệp, trong năm 2019, có 211 doanh nghiệp thực hiện chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.

Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành 115.422 tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,2%) trong tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2019. Kế đến là các doanh nghiệp bất động sản với lượng phát hành là 106.531 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38%; các doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản chiếm 4,7%; các định chế tài chính phi ngân hàng (chủ yếu là các công ty chứng khoán) chiếm 3,8%; các doanh nghiệp phát triển hạ tầng 2,8%...

Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh từ 9,01% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019), tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành đạt gần 670 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù quy mô thị trường tăng trưởng liên tục qua các năm nhưng hiện kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn có quy mô khá nhỏ bé so với các kênh huy động vốn khác. Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, tổng quy mô tín dụng tại cuối 2019 khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, tương đương tới 138,4% GDP và gấp tới 12,3 lần quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019, Công ty chứng khoán SSI nhận định, thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng là xu hướng tất yếu và phù hợp để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh đầu tư khá mới mẻ tại Việt Nam, sự phát triển nhanh giai đoạn vừa qua tiềm ẩn những rủi ro nhất định cần được nhận diện và điều chỉnh bởi cơ quan quản lý để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường.

Cụ thể, trong tổng số 211 doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng trong năm 2019, có tới 129 doanh nghiệp chưa niêm yết. Theo SSI, điều này dẫn tới chất lượng thông tin và trách nhiệm công bố thông tin còn tương đối hạn chế.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp còn chia nhỏ các đợt phát hành để chào bán riêng lẻ, nhờ đó không phải thực hiện các nghĩa vụ về công bố thông tin. Thông tin công bố cũng thường thiếu chi tiết về mục đích sử dụng vốn trái phiếu, tình hình tài chính của doanh nghiệp trước và dự kiến sau phát hành. Thông tin công bố còn khó tra cứu và chưa đầy đủ, ví dụ nội dung đối tượng mua trái phiếu từ chỗ ghi rõ tên người mua đã rút lại chỉ còn ghi “tổ chức trong nước”.

Siết chặt quản lý trái phiếu doanh nghiệp

Trong khi còn nhiều rủi ro tiềm ẩn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 lại ghi nhận sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu là nhà đầu tư trong nước đã mua 26.492 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp, tương đương 9,64% tổng lượng phát hành toàn thị trường.

Các chuyên gia đánh giá, giá trị đầu tư mà các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực tế sẽ lớn hơn do có một số trái phiếu được phát hành riêng lẻ sơ cấp sau đó được phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp. Mặc dù tham gia ngày một nhiều, nhà đầu tư cá nhân thường bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin cũng như kinh nghiệm đầu tư. Đây là một rủi ro cho không chỉ người tham gia đầu tư mà cho cả sự ổn định của thị trường.

Chi phối thị trường vẫn là các nhà đầu tư tổ chức trong nước với tổng lượng mua là 219,2 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 80% lượng phát hành. Trong đó, các ngân hàng thương mại mua 25,5 nghìn tỷ đồng, tập trung vào các trái phiếu bất động sản; các công ty chứng khoán mua 38,6 nghìn tỷ đồng, tập trung vào trái phiếu do ngân hàng phát hành.

Tương tự giá trị đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thực tế của các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán có thể lớn hơn do thông tin bên mua của những đợt phát hành riêng lẻ càng về cuối năm càng trở nên chung chung, chỉ còn ghi “tổ chức trong nước”. Đối tượng “tổ chức trong nước” này đã mua tới 56% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, tức trên 150 nghìn tỷ.

Trước đó, trong báo cáo thị trường trái phiếu 8 tháng năm 2019, SSI đã đặt giả thiết về việc các ngân hàng thương mại đang sở hữu chéo trái phiếu của nhau nhằm gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hiện Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 để trình Chính phủ với nhiều quy định mới nhằm quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhu cầu lớn từ thị trường và hiệu lực điều hành từ cơ quan quản lý chính là những yếu tố cơ bản thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/lam-gi-de-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-118950.html