Làm gì để Thanh Trì trở thành quận vào năm 2020?

Dự thảo Đề án 'Đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì phát triển thành quận vào năm 2020' đang được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cho ý kiến. Hiện đang là thời điểm toàn huyện Thanh Trì dốc sức, đồng lòng hoàn thành các chỉ tiêu phấn đấu đủ điều kiện để huyện thành quận.

Con đường ven sông Tô Lịch thuộc địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì trong ký ức người dân là một "điểm đen" về ô nhiễm môi trường do nạn đổ rác, phế thải. Nhưng giờ đây đi trên con đường này, quang cảnh thoáng đãng, dễ chịu, hai bên đường là những vạt hoa đủ màu khoe sắc và được gọi là con đường hoa. Đó là kết quả sự nỗ lực của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Việc làm trên là một trong những điển hình về sự vào cuộc của chính quyền và người dân thực hiện các chỉ tiêu để xã lên phường của huyện Thanh Trì. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, cho biết: "Đây là một trong rất nhiều công việc được triển khai hiệu quả ở địa phương trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự văn minh đô thị được Huyện ủy, UBND huyện Thanh Trì phát động".

Đến trung tâm huyện Thanh Trì thời điểm này, nhiều người sẽ rất ngỡ ngàng bởi những thay đổi của địa phương. Những con đường chạy qua trung tâm huyện được mở rộng; những hàng cây mọc lên xanh mướt. Nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, nhiều khu đô thị mới được đầu tư xây dựng. Trong những năm trở lại đây, Thanh Trì có tốc độ đô thị hóa rất mạnh. Cùng với đô thị hóa thì kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nhiều tiêu chí về kinh tế-xã hội (KT-XH) và phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn của quận. Không chỉ ở thị trấn, các xã của Thanh Trì cũng đang khoác trên mình diện mạo mới với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, sạch, đẹp. Năm 2017, Thanh Trì được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển đô thị.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, cho biết: "Toàn huyện đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu đưa huyện lên quận vào năm 2020. Đề án đã xác định rõ: Việc nâng cấp huyện thành quận và các xã, thị trấn thành phường với quan điểm chuyển nguyên trạng huyện thành quận, xã thành phường; không thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, không làm tăng thêm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bộ máy chính quyền quận, phường sẽ được tổ chức phù hợp để thực hiện chức năng quản lý đô thị đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, phát triển KT-XH tại quận trong tương lai".

Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Thanh Trì rất khả quan, giai đoạn 2016-2018 bình quân đạt 8,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cụ thể phấn đấu hết năm 2018: Công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ chiếm 91,5%, nông nghiệp chỉ còn 8,5%. Huyện đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án.

Thanh Trì là huyện phía Nam TP Hà Nội có 15 xã, 1 thị trấn, diện tích tự nhiên 6.349,1ha, dân số 275.203 người. Đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chung của huyện và các xã, thị trấn so sánh với các tiêu chí thành lập quận, phường thì huyện có nhiều tiêu chí đã đạt và cơ bản đạt; có nhiều điều kiện thuận lợi để tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí thành lập quận. Đối với tiêu chí chung, huyện đã đạt 6/6 tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển KT-XH; 19/21 tiêu chí về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã đạt và cơ bản đạt; còn 3 tiêu chí chưa đạt trong đó có mật độ đường giao thông đô thị, đất cây xanh sử dụng công cộng.

Đối với các xã, thị trấn so sánh với 18 tiêu chí thành lập phường (đô thị loại đặc biệt) cơ bản đều đạt từ 12 đến 16/18 tiêu chí. Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường khẳng định: "Căn cứ vào các tiêu chí của quận, phường theo quy định của pháp luật, hiện nay, huyện Thanh Trì còn một số tiêu chí chưa đạt. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của UBND TP Hà Nội, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chúng tôi tự tin khẳng định kế hoạch này sẽ được thực hiện đúng tiến độ".

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi, tuy nhiên, huyện cũng đang gặp một số khó khăn cần tháo gỡ. Để có đủ nguồn lực thực hiện đề án, huyện Thanh Trì đã đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư tại chỗ từ tiềm năng đất đai, cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất hợp lý. Huyện cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư thực hiện những dự án về giao thông, công viên, cây xanh trên địa bàn. Huyện cũng đề xuất thành phố hỗ trợ ngân sách để triển khai các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách trong trường hợp nguồn thu ngân sách của huyện và xã chưa thực hiện được.

Để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, ông Nguyễn Tiến Cường cho biết: "UBND huyện đã lập ra mục tiêu cụ thể để hoàn thành kế hoạch này, như: Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại-dịch vụ. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 10-11%/năm. Về tỷ trọng các ngành, dự kiến đến hết năm 2021 là: Thương mại-dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp-xây dựng chiếm 41%, nông nghiệp chiếm 5%; phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật-xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển; tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường...

VĂN THI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-gi-de-thanh-tri-tro-thanh-quan-vao-nam-2020-556497