Làm gì để phát hiện sớm bệnh trầm cảm?

Cái chết của Sulli, Goo Hara khiến dư luận lo lắng về 'sát thủ giấu mặt' mang tên trầm cảm - căn bệnh khiến 50% số người mắc có ý định kết thúc cuộc sống của mình.

Chỉ khoảng hơn một tháng sau khi nữ ca sĩ Sulli (25 tuổi) được phát hiện treo cổ tự tử tại nhà riêng, mới đây, người hâm mộ lại phải nói lời vĩnh biệt với Goo Hara, cựu thành viên nhóm KARA.

Cả hai nữ thần tượng đã trải qua khoảng thời gian trầm cảm do cô đơn và tổn thương trước khi chọn kết liễu cuộc đời mình. Trước đó, Goo Hara từng tự tử bất thành vào cuối tháng 5.

Theo các chuyên gia, hơn 50% bệnh nhân trầm cảm có ý định tự sát và 15-20% trong số đó tự sát thành công. Đây là căn bệnh đang có tỷ lệ tăng cao trong những năm qua.

Nguyên nhân từ trầm cảm dẫn đến tự tử

Theo báo cáo của Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mỗi năm, Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Trong đó, khoảng 20% trường hợp tự tử thành công.

BSCKII Huỳnh Thanh Hiển, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM, cho rằng lối sống hiện đại ngày nay nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con người như thất bại trong công việc, áp lực cuộc sống, đổ vỡ tình cảm,…

“Những người bị trầm cảm nặng, có ý định tự sát thường xuất phát từ suy nghĩ cảm thấy bản thân là người vô dụng. Sau đó, họ tự cho mình là gánh nặng của người thân và gia đình, không nên tồn tại. Chính áp lực này dẫn đến hành vi tự tử”, bác sĩ Hiển chia sẻ.

Sulli và Goo Hara đều chọn cách kết thúc cuộc đời sau thời gian dài chịu áp lực.

Sulli và Goo Hara đều chọn cách kết thúc cuộc đời sau thời gian dài chịu áp lực.

Chuyên gia này cho biết thêm cuộc sống luôn có những va chạm và không phải ai bị trầm cảm cũng dẫn đến tự tử. Hơn một nửa bệnh nhân trầm cảm có thể vượt qua nếu tâm lý vững, được can thiệp và điều trị kịp thời trong khoảng 6-24 tháng.

Còn theo ThS.BS Trần Thị Mai Thy, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM), tùy vào từng trường hợp, bệnh trầm cảm có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm. Nếu không được chữa trị và tác động kịp thời bệnh sẽ trở nên ngày càng nguy hiểm, thậm chí có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như tự tử, mẹ giết con.

Ba giai đoạn chính của trầm cảm

Theo bác sĩ Mai Thy, trầm cảm có thể chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn nhẹ nhất của rối loạn trầm cảm. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ không nghĩ mình đang mắc bệnh mà nghĩ rằng đây là tâm trạng buồn bã và suy nghĩ tiêu cực nhất thời.

Nếu những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, người bệnh sẽ có xu hướng bộc lộ sự tiêu cực rõ ràng hơn như mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều, biếng ăn hoặc ăn uống vô độ, khép kín hơn, không còn muốn gần gũi người khác kể cả người thân quen. Người bệnh chỉ thực sự thoải mái khi ở một mình và điều đó càng khiến tình trạng trầm cảm trở nên nặng hơn.

Trầm cảm giai đoạn nặng khiến người bệnh không còn tin là mình có thể hạnh phúc trở lại và muốn giải thoát bản thân. Ảnh: Shutterstock.

Giai đoạn 2: Sau quá trình trầm cảm dài của giai đoạn 1, cơ thể người bệnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tâm trạng buồn bã, không ngủ, ăn uống không điều độ, cơ thể trì trệ. Đồng thời, não bộ bắt đầu giảm sản xuất hormone serotonin - loại hormone giúp tạo cảm giác hạnh phúc. Cho đến một ngày, người bệnh sẽ không còn nhớ cảm giác hạnh phúc diễn ra như thế nào.

Người bệnh không còn niềm tin, hi vọng về tương lai từng nghĩ đến. Những điều đẹp đẽ dần trở nên xa vời. Nếu từng mất mát, người bệnh sẽ luôn cho rằng mình sẽ không bao giờ vượt qua được. Ở giai đoạn này, người bệnh cảm thấy cuộc đời sầu thảm, bi đát mà họ dần trở nên chán ghét.

Giai đoạn 3: Người bệnh sẽ không đủ tỉnh táo để nhớ cuộc đời vốn tuyệt như thế nào. Điều duy nhất họ nghĩ đến đó là làm sao thoát khỏi cuộc sống toàn nỗi buồn, mất mát, tăm tối và khổ đau này. Người bệnh sẽ không còn tin vào tương lai, không còn tin là mình có thể hạnh phúc trở lại và muốn giải thoát bản thân.

Chẩn đoán trầm cảm như thế nào?

Bác sĩ Thy cho biết để chẩn đoán trầm cảm, bác sĩ sẽ nói chuyện với bệnh nhân về những cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe tâm thần để phân biệt giữa trường hợp buồn ngắn hạn và dạng nặng hơn của bệnh trầm cảm. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành sàng lọc tâm lý người bệnh qua câu hỏi và xét nghiệm máu.

“Đừng xấu hổ, hãy chia sẻ các triệu chứng, vấn đề của bạn với bác sĩ để lập kế hoạch điều trị tốt nhất, giúp bạn vượt qua trầm cảm”, bác sĩ Thy khẳng định.

Người Việt trầm cảm, tự kỷ ngày càng nhiều Thống kê mới của ngành y tế cho thấy sự gia tăng đáng kể số lượng người mắc các bệnh thần kinh như trầm cảm, tự kỷ, rối loạn thần kinh tại Việt Nam.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lam-gi-de-phat-hien-som-benh-tram-cam-post1017425.html