Làm gì để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ?

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, thông thạo ngoại ngữ là yêu cầu thiết yếu. Thế nhưng, việc dạy và học ngoại ngữ tại các trường phổ thông hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Làm gì để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là những vùng sâu, vùng xa là một đòi hỏi cấp thiết của ngành giáo dục-đào tạo (GD&ĐT) trong giai đoạn hiện nay.

Theo đánh giá của bà Cao Phương Hà, Giám đốc Tổ chức Giáo dục quốc tế EF (Education First): Chỉ số thông thạo Anh ngữ (EPI) của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 7 ở châu Á. Thế nhưng, kết quả công bố phổ điểm thi THPT quốc gia 2018 của Bộ GD&ĐT cho thấy, phổ điểm trung bình của môn tiếng Anh năm 2018 trong cả nước là 3,91 điểm; số có điểm dưới trung bình là 637.335 người (chiếm 78,22%), trong đó số bị 3 điểm chiếm số đông; số có điểm liệt là 2.189 người (chiếm 0,0026%). Đặc biệt, cả nước chỉ có 76 học sinh đạt điểm 10 môn tiếng Anh; 4.838 học sinh đạt từ 9 đến 9,8 điểm và 732 học sinh có điểm 0. Điều đó cho thấy cách dạy và học môn Ngoại ngữ ở các trường phổ thông hiện nay đang có vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh kịp thời.

Dạy ngoại ngữ cần những giáo cụ trực quan để học sinh dễ tiếp thu. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Một số phụ huynh học sinh khi trao đổi với chúng tôi cho rằng, ở bậc tiểu học, ngoài chương trình dạy ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường còn triển khai chương trình riêng của mình. Có trường làm tốt, nhưng cũng có trường làm chưa tốt. Họ còn cho rằng, học sinh ở bậc tiểu học mới làm quen với ngoại ngữ nên phải được tiếp xúc với tần suất nhiều hơn và chú trọng hơn việc bổ sung vốn từ cho học sinh. Thế nhưng thực tế cho thấy, hiện tại các trường vẫn nặng về dạy ngữ pháp, chú trọng câu trong khi học sinh còn chưa có nhiều vốn từ. Đây là lý do khiến không ít các em học sinh cảm thấy khó và sợ học môn Ngoại ngữ. Học sinh từ tiểu học không có vốn ngoại ngữ tốt, khi lên THCS đối mặt với cách dạy và các bài thi nhiều ngữ pháp sẽ cảm thấy khó, lúng túng, nảy sinh tâm lý chán học. Ngoài ra, do sĩ số các lớp học quá đông (40 đến 60 học sinh/lớp) nên chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ sẽ không cao.

Trước thực trạng trên, không ít chuyên gia về lĩnh vực giáo dục cho rằng, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường thời lượng học, các trường cần phải tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó tập trung vào rèn cho học sinh các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết. Muốn làm được điều này, ngay từ bậc tiểu học, giáo viên nên tạo điều kiện cho con trẻ tiếp xúc với nghe và nói nhiều hơn để có vốn từ phong phú, không nên quá chú trọng tới ngữ pháp và viết câu. Cùng với đó là đưa nhiều giáo cụ trực quan, có các công cụ hỗ trợ như nghe nhin, đưa nhiều hoạt động giao tiếp vào giảng dạy, qua đó tạo hứng thú với ngôn ngữ cho học sinh. Bên cạnh đó, cần kết hợp việc dạy và học ngoại ngữ với các môn học khác, như: Tiếng Anh-Toán, tiếng Anh-Khoa học. Để đưa môn Toán, môn Khoa học hay các môn học khác vào tiếng Anh thì điều cần nhất là trình độ, năng lực của giáo viên. Các trường sư phạm cũng cần đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên ngoại ngữ theo hướng nâng cao năng lực, lồng ghép các môn học khác vào môn tiếng Anh.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các giáo trình dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam rất đa dạng, nhưng vẫn cần phải chuẩn hóa để học sinh dễ hiểu, dễ tiếp cận. Đặc biệt, chương trình phải phổ biến và cố gắng số hóa để các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn vẫn có thể tiếp cận được. Chính vì vậy, sắp tới, ngành sẽ tập trung hoàn chỉnh giáo trình cũng như bố trí thời lượng dạy và học môn ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng theo hướng thực sự khoa học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các cấp học, bậc học.

ANH THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/lam-gi-de-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-ngoai-ngu-562661