Làm gì để lo đủ điện cho năm 2019?

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng của Việt Nam từ nay tới năm 2020 sẽ tăng khoảng hơn 11%/năm (tức là từ con số 190 tỷ kWh lên khoảng 265-278 tỷ kWh). Nhu cầu lớn nhưng việc gia tăng nguồn điện đang khó khăn khiến áp lực thiếu điện ngày càng lớn ngay từ năm 2019. Điều này đòi hỏi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có những nỗ lực rất lớn, đồng thời cần các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, nhằm bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn cung điện gặp nhiều khó khăn

Nhiều công trình đầu tư cho nguồn điện đang chững lại, hàng loạt nhà máy nhiệt điện đã phải giảm công suất do thiếu than, còn năng lượng tái tạo (NLTT) mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng chưa đủ điều kiện để phát triển ở Việt Nam dẫn đến khó khăn nguồn cung cho ngành điện.

Nêu rõ về vấn đề này, theo đại diện EVN: Các hồ thủy điện trong hệ thống, đặc biệt là khu vực miền Trung, dù đang trong giai đoạn lũ chính vụ nhưng mực nước của nhiều hồ thủy điện xấp xỉ mực nước chết với lưu lượng nước về thấp nhất trong chuỗi thủy văn từ trước tới nay. Còn về nhiệt điện than, theo kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2019 là 54 triệu tấn (than sản xuất trong nước là 43,4 triệu tấn và nhập khẩu là 10,68 triệu tấn). Với sản xuất trong nước, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc: Tổng khối lượng than của hai đơn vị này cho sản xuất điện trong năm 2019 chỉ đạt 37,21 triệu tấn, thấp hơn 6,19 triệu tấn so với nhu cầu (tương ứng khoảng 12,5 tỷ kWh điện). “Các nhà máy thủy điện không tích đủ nước theo kế hoạch để chuẩn bị cho năm 2019; sản lượng các nhà máy nhiệt điện khí cũng bị giảm do các nguồn cung cấp khí hiện nay đã bước vào giai đoạn suy giảm; trong khi đó từ đầu tháng 10 đến nay lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện lên tục sụt giảm dẫn đến các nhà máy hoạt động cầm chừng, nguy cơ thiếu điện trong mùa khô năm 2019 rất cao, có khả năng kéo dài tới hết năm 2019”, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành, cho biết.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều dự án điện đang bị chậm triển khai theo kế hoạch. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, trên thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiện điện than với tổng số 7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn hơn 18.000MW/26.000MW các dự án nhiệt điện than dự kiến đưa vào vận hành trong 5 năm tới, nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo.

Tìm các giải pháp kiên quyết bảo đảm đủ điện

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) ông Nguyễn Anh Tuấn: Những khó khăn trong việc huy động các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện đã thể hiện rõ. Tuy nhiên, dù có những căng thẳng về nguồn cung song theo tính toán ngành điện, cung ứng điện trong năm 2019 vẫn có thể bảo đảm. Tại một số thời điểm căng thẳng về nguồn nguyên liệu, Bộ Công Thương đã tính đến việc sử dụng dầu và than nhiều hơn cho sản xuất điện, để bảo đảm khả năng nguồn cung ứng đủ điện trong năm 2019. Trước những vấn đề đặt ra trong việc cung ứng điện, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN phải kiên quyết, có các giải pháp đồng bộ bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Theo các chuyên gia năng lượng để bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tuân thủ các cam kết quốc tế về phát triển bền vững thì Việt Nam phải bảo đảm tốt đồng thời hai giải pháp là: Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, kiểm soát nhu cầu phụ tải và nỗ lực tăng nguồn cung điện. Với giải pháp trước mắt, để bảo đảm điện cho các tháng cuối năm 2018 và năm 2019, EVN đề nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chủ động tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và nhập khẩu để trộn hoặc đốt trực tiếp cho các nhà máy nhằm bù đắp lượng than thiêu hụt do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc không cung cấp được. Giá điện sẽ được điều chỉnh theo giá nhiên liệu đầu vào.

Theo ông Ngô Sơn Hải, với việc kiểm soát phụ tải, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện, ưu tiên cho khu vực miền Nam; có cơ chế của Nhà nước để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và các dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối, đặc biệt hỗ trợ và khuyến khích khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, nhất là ở khu vực miền Nam... Ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, giải pháp quan trọng để Việt Nam có thể tăng cường được nguồn cung năng lượng mà vẫn bảo đảm môi trường, đó là vai trò đầu tư tư nhân, NLTT và chuyển đổi cơ cấu năng lượng hợp lý. Theo đó, Việt Nam cần đầu tư hiệu quả việc phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Đây thực sự là thế mạnh và cũng là điều kiện để Việt Nam bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lam-gi-de-lo-du-dien-cho-nam-2019-557830