Làm gì để kết nối 10.000 nhà khoa học Việt trên toàn cầu?

Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bộ và cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và huy động lực lượng nhân tài, tri thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ làm nòng cốt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Viet Nam Innovation Network, ngày 19/8 (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với những sáng kiến đổi mới sáng tạo, hiện có hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu cho thế hệ tài năng, tri thức người Việt đang học tập và làm việc tại nước ngoài hưởng ứng tham gia cùng hàng 100 nhà khoa học, chuyên gia trong nước và các doanh nghiệp hàng đầu gặp gỡ, tạo nên một liên kết trao đổi tầm nhìn chiến lược phát triển về khoa học công nghệ trong các lĩnh vực Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới”.

Thông điệp trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Lễ công bố chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018”- Viet Nam Innovation Network, ngày 19/8.

Chưa có dấu mốc trên bản đồ AI thế giới

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ chương chính sách trọng dụng nhân tài, đội ngũ các nhà khoa học, tri thức trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng đất nước. Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rất cao việc trở về của các bạn trẻ tiêu biểu cho các nhà khoa học, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ và trở thành một cơ hội lớn đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ tham luận, tiến sỹ Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu khoa học cao cấp Google Deepmind (Mỹ) thẳng thắn chỉ ra, “thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có tiếng nói hoặc dấu mốc trên bản đồ "trí tuệ nhân tạo - AI" thế giới. Theo tôi, đây là nhược điểm ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng nền công nghiệp trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam”.

Ảnh minh họa (Nguồn: houseofbots.com)

Từ đó, ông Bùi Hải Hưng đưa ra sáng kiến, Việt Nam tập trung vào xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu với mục tiêu có những công bố nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trên các hội thảo hàng đầu của Quốc tế, đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI thế giới.

“Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo phát triển trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần chú trọng đầu tư cho các cơ sở điện toán đám mây, bởi đây là yếu tố rất quan trọng trong quá trình đào tạo và xây dựng nền công nghiệp AI”, vị tiến sỹ này nói.

Khả năng đón nhận và sẵn sàng hợp tác từ trong nước?

Một sáng kiến, giải pháp kết nối trí thức người Việt tại Nhật Bản đã được thực hiện rất hiệu quả trong thời gian qua thông qua các Hội nghị khoa học. Phó giáo sư, tiến sỹ Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản (JAIST) cho biết, đã có 10 hội nghị khoa học kết nối trí thức Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức, tại đây các bạn sinh viên không chỉ trao đổi các vấn đề học thuật mà còn được cơ hội kết nối, tiếp cận các chính sách về khoa học công nghệ và chính sách thu hút nhân tài về Việt Nam.

“Thông qua các hoạt động giao lưu, chúng tôi đã có những kết nối tri thức Việt Nam tại Nhật rất hiệu quả trong đào tạo, các nghiên cứu công nghệ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp…”, ông Văn chia sẻ.

Tại đây, ông Văn cũng đề xuất sáng kiến để mạng lưới sáng tạo đổi mới lần này được thành công, đó là trí thức trong nước, Chính phủ và trí thức ngoài nước phải có sự vào cuộc đồng bộ. Cụ thể, đối với trí thức ngoài nước là sự kết nối, đóng góp vào sự nghiệp phát triển khoa học. Bên cạnh đó, trí thức trong nước và các doanh nghiệp phải có khả năng đón nhận và sẵn sàng hợp tác. Nhưng quan trọng hơn, Chính phủ phải giữ vai trò là cầu nối hiệu quả và lâu dài, bằng cách tạo ra các chính sách cụ thể trong môi trường “khoa học, công nghệ minh bạch, tự do học thuật, cạnh tranh đầu tư và thúc đẩy hợp tác”.

“Đứng trên vai người khổng lồ”

Một trong những yếu tố quan trọng nhất và cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam gặp phải đó là những khó khăn về vốn.

Để giải quyết vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Văn Hoàng đại diện Hiệp hội Canada - Việt Nam chia sẻ, một doanh nghiệp khoa học kỹ thuật để thành công, trước hết phải có ý tưởng sau đó là giai đoạn sản xuất thử nghiệm sản phẩm. Đến khi sản phẩm đạt hiệu quả sẽ là giai đoạn gọi vốn và khởi nghiệp. Theo ông Hoàng, đây là bước khó khăn nhất trong quá trình hình thành doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường. Bởi giai đoạn sau tiếp, khi 1 sản phẩm được chấp nhận thì chuyển giao chúng sang cho doanh nghiệp phát triển bán hàng là bước dễ dàng và các doanh nghiệp loại hình này thường làm rất tốt.

“Tuy nhiên, để đi được từ ý tưởng ra được đến thị trường và bán hàng sản phẩm thì bước thứ hai là khó nhất. Tôi muốn chia sẻ mô hình của Chính phủ Canada với sự hỗ trợ đối ứng cho doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ bằng tỷ lệ "doanh nghiệp bỏ 1 đồng, Chính phủ sẽ góp 3 đồng", như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro trong đầu tư đồng thời doanh nghiệp sẽ có bản quyền sử hữu trí tuệ ngay”. Từ chính sách này, ông Hoàng muốn gợi ý về những lợi ích Chính phủ Canada tạo ra cũng có thể dành cho doanh nghiệp Việt Nam, do chính sách này không chỉ dành cho doanh nghiệp Canada mà cả doanh nghiệp quốc tế.

“Đây là một điều tôi muốn chia sẻ, một doanh nghiệp khởi nghiệp phải cần tiền với vốn đối ứng của Chính phủ Canada sẽ rất có lợi, thêm vào đó với nguồn ngân sách này doanh nghiệp còn có thể đầu tư đào tạo hệ thống sinh viên để chuyển giao công nghệ tốt nhất trong thị trường quốc tế cũng như tại Việt Nam”, ông Hoàng nói.

Kết nối 10.000 nhà khoa học Việt trên toàn cầu

Một thành công khác được ông Trần Văn Hinh, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Bemaco (Pháp) và là thành viên Hội khoa học và Chuyên gia Việt Nam chia sẻ, Hội được thành lập từ năm 2011 tại Pháp và đến nay đã mở rộng mạng lưới trên 15 nước trên thế giới với khoảng hơn 250 thành viên thường trực trên các dự án chiến lược của Hội. Ngoài ngoài ra, Hội đang nắm giữ cơ sở dữ liệu của trên 10.000 nhà khoa học, chuyên gia là người Việt trên toàn cầu, để có thể liên lạc, kết nối vài trong các dự án cụ thể.

Kinh nghiệp kết nối thành công, theo ông Hinh dựa trên 4 điểm, đó là tầm nhìn rõ ràng ngay ban đầu, hoạt động phải có dự án cụ thể, tổ chức chuyên nghiệp theo mô hình doanh nghiệp xã hội và cuối cùng là yếu tố con người - chấp nhạn dấn thân vào công việc để đạt kết quả tốt nhất.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng và ý nghĩa của Sáng kiến kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “để chuyển đổi nền kinh tế, đột phá phát triển, thu hẹp khoảng cách, tránh tụt hậu khoa học công nghệ thì đổi mới sáng tạo thực sự trở thành chìa khóa và là con đường ngắn nhất để bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh bền vững. Bất kỳ quốc gia nào chậm chân trên con đường này thì chắc chắn không thể thành công”.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng khẳng định, các bộ, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp về các giải pháp phát triển đất nước dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 để từ đó tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dưng chiến lược, thể chế, khuôn khổ pháp luật để hình thành hệ sinh thái thông qua việc xây dựng, nhân rộng mô hình các trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến và hiệu quả trong cả nước.

Theo Vietnamplus

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/lam-gi-de-ket-noi-10-000-nha-khoa-hoc-viet-tren-toan-cau-10617.html