Làm gì để 'hồi sinh' doanh nghiệp nhà nước?

Trong những thập niên qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từng là những quả đấm thép, giữ vai trò chủ chốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài của DNNN trong những năm qua đã cho thấy bức tranh DNNN không mấy sáng sủa.

Để hồi sinh DNNN trở thành những con chim đầu đàn cần những giải pháp gì? Đây là những vấn đề chính được các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đưa ra tại diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 6-11 tại Hà Nội.

Tháo gỡ điểm nghẽn đất đai trong cổ phần hóa

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, số lượng DNNN từ hơn 12.000 DN vào đầu những năm 90, đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 DN vào năm 2001 và đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 DN 100% vốn nhà nước, hiện diện trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN.

Từ năm 2016 đến hết tháng 10-2018, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 136 DNNN; trong đó đã tiến hành cổ phần hóa (CPH) nhiều DN quy mô rất lớn, như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng công ty: Phát điện 3, Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn... Về công tác thoái vốn nhà nước tại DN, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 10-2018, đã có các thương vụ lớn như thoái vốn tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Công ty cổ phần Sữa Vinamilk... thu về gần 160.000 tỷ đồng (gấp hơn 9 lần giá trị sổ sách).

Doanh nghiệp nhà nước từng là những quả đấm thép. Ảnh minh họa: CTV.

DNNN đang được giao quản lý và sử dụng một khối lượng tài sản rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Kết quả sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN chậm, chưa đạt số lượng đề ra.

“Thời gian tới, việc CPH, thoái vốn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN. Trong đó, CPH các tập đoàn lớn như than khoáng sản, hóa chất, bưu chính viễn thông… Trong bối cảnh cách mạng 4.0 và sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN rất nặng nề”, Thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2016 đến tháng 9-2018, cả nước thoái được 16.463 tỷ đồng, thu về 154.306 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, DN thoái được hơn 3.770 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động của DNNN còn nhiều hạn chế như hiệu quả SXKD thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước.

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC cho rằng, việc thoái vốn gặp rào cản do pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ, hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối (trên 51%) tại DN, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước chào bán.

“Không ít các trường hợp, do nhiều lý do (như kết quả kinh doanh yếu thua lỗ kéo dài, mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông; tỷ lệ sở hữu của nhà nước thấp…) nên cho dù DN có một số lợi thế nhất định về đất đai nhưng vẫn không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, dẫn đến bán vốn nhiều lần không thành công. Điều này dẫn đến một nghịch lý là bán cổ phần với mức giá 10.000đ/CP không thành công thì trong các lần bán tiếp theo, giá khởi điểm lại được xác định ở mức trên 10.000 đồng/CP. Hệ quả là việc thoái vốn đã khó lại càng khó hơn. Trên thực tế, đã có những trường hợp SCIC phải thuê tư vấn tổ chức bán đi bán lại tới 8 lần tại cùng một DN nhưng vẫn không thành công”, ông Lai nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, một trong những điểm nghẽn trong CPH DNNN là việc sắp xếp đất đai khi CPH. Nhiều DNNN, sau khi tách đất đai ra khỏi tài sản, hoạt động đang hiệu quả sẽ trở thành không hiệu quả. Đất đai là của toàn dân, sắp tới, khi DNNN chuyển sang thuê đất hàng năm và ký hợp đồng thuê đất thì phải ký lại hợp đồng theo giá mới, chênh lệch thuê giá đất trước đây nộp ngân sách. Đây là cuộc cách mạng trong sắp xếp nguồn lực, CPH.

Tăng cường giám sát, minh bạch thông tin

Theo ông Đặng Quyết Tiến, trong thời gian tới, để tiến trình CPH DNNN hiệu quả, thì cần tuân thủ, công khai, minh bạch thông tin và thay đổi thể chế. Bên cạnh đó, thang bảng lương của người lao động trong DNNN dù khoa học nhưng lỗ hay lãi, người quản lý DNNN vẫn nhận như nhau. Trách nhiệm của người đứng đầu, không sợ chịu trách nhiệm. Để đảm bảo vấn đề này, giám sát minh bạch phải tăng cường.

Vinamilk nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi thoái vốn nhà nước. (Ảnh minh họa Internet).

Ths Nguyễn Trần Minh Trí (Viện Kinh tế & Chính trị thế giới) cho rằng, quá trình đấu giá cần được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở phải thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê và thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất; kiên quyết xử lý nghiêm khắc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật để gạt người khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi CPH DNNN…

Ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì cho hay, để hoạt động hiệu quả, DNNN cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, trong đó áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế với DNNN. Cần gia tăng hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư trong kinh doanh với cơ quan đại diện chủ sở hữu và DN. Giai đoạn 2020-2025, DNNN phải đặt mục tiêu hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu ít nhất 15%/năm; hiệu suất sinh lời tài sản từ 7-9%/năm với sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hoàn thành áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế với DNNN và được tổ chức uy tín xếp hạng, thừa nhận.

Phan Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/lam-gi-de-hoi-sinh-doanh-nghiep-nha-nuoc-518800/