Làm gì để hiện thực hóa khẳng định 'kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế'?

Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 sẽ diễn ra vào ngày 2/5 tới đây dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Trước thềm sự kiện quan trọng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những trao đổi về vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ về vai trò của kinh tế tư nhân trong chương trình tôn vinh "Nụ cười công chức Đà Nẵng"

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ về vai trò của kinh tế tư nhân trong chương trình tôn vinh "Nụ cười công chức Đà Nẵng"

30 năm để khẳng định vị trí “động lực quan trọng của nền kinh tế”

Nghị quyết số 10, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để xác lập và khẳng định vai trò không thể thay thế của kinh tế tư nhân “là động lực quan trong của nền kinh tế” là cả một quá trình và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân từ chỗ bị kỳ thị, coi nhẹ dần được xác định là “một trong những động lực” của nền kinh tế và đến hội nghị Trung ương 5, khóa XII, vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân đã được xác lập là “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nhờ tiếng nói mạnh mẽ và bền bỉ ở chính quyền và doanh nghiệp các địa phương, các quan niệm và suy nghĩ về kinh tế tư nhân dần có sự thay đổi. Dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999 đánh dấu sự cởi trói cho khu vực tư nhân với việc lần đầu tiên trao quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản vai trò của kinh tế tư nhân. Khu vực tư nhân tự động đã là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. “Chúng ta phải mất 30 năm mới nhận ra và công nhận điều đó. Dù vậy, sự thay đổi này vô cùng đáng quý và hết sức đáng hoan nghênh. Chính phủ đã liên tục đưa ra hàng loạt nghị quyết, công cụ để cải thiện môi trường kinh doanh của kinh tế tư nhân như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35..., tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển theo tinh thần Chính phủ kiến tạo”, bà Phạm Chi Lan nói.

VinGroup đã khẳng định vị trí dẫn đầu tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành

Doanh nghiệp tư nhân làm gì để hoàn thành vai trò của mình

Tính đến hết năm 2018, cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp. Trong đó, 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Thu hút đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân tăng 18.5%, khu vực này chiếm 43,3% tổng đầu tư xã hội.

Trong năm 2018, cả nước có 165.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.

Trong một thời gian dài, các doanh nghiệp tư nhân “cảm thấy tủi thân” vì không có sự công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Để tìm lại sự công bằng này là hàng chục lần kiến nghị về sự bình đẳng giữa khu vực tư nhân trong nước với doanh nghiệp FDI, DNNN. Có một thời gian các địa phương bị bệnh thành tích vì chạy theo tăng trưởng kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi cách mà bỏ qua doanh nghiệp trong nước”, bà Phạm Chi Lan nói.

Theo sự phát triển kinh tế, nếu chạy theo thu hút FDI Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng có 2 nền kinh tế trong một quốc gia. Doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% xuất khẩu nhưng chỉ đóng góp 13% cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp FDI đi đường riêng, không quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ hay gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho nước sở tại. Trong khi khu vực tư nhân trong nước lại đóng góp tới 40% ngân sách. Đó là một sự không công bằng. “Khu vực trong nước hoàn toàn xứng đáng và cần phải được hưởng lợi nhiều hơn vì có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của quốc gia”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Mặc dù vai trò của kinh tế tư nhân đã được nhìn nhận, tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan để hiện thực hóa vai trò là “động lực quan trọng của nền kinh tế” thì còn mất nhiều thời gian, cần có sự nỗ lực của cả các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.

Đối với các cơ quan hữu quan, đó là việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. “Điều kiện kinh doanh "đẻ" ra nhiều lắm. Năm 1999 có 400 giấy phép con, đề xuất bỏ được 158 cái. Nhưng năm 2018 có đến hơn 6.000 điều kiện kinh doanh. Kể cả 1 số bộ được coi là tiên phong thì vẫn chưa làm thực chất. Có những điều kiện được sắp xếp lại. Thậm chí bỏ được 1 vài điều lại thêm những điều kiện khác khắt khe”, bà Lan dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, doanh nghiệp tư nhân phải tự mình khẳng định vai trò của mình bằng việc, “đừng chờ Thủ tướng chỉ thị các Bộ, ngành cắt giảm thủ tục hành chính nữa, mà hãy liệt kê danh mục các điều kiện, thủ tục không cần thiết để đưa ra trình trực tiếp cho Thủ tướng”, bà Lan gợi ý.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp tư nhân phải tự đưa ra những cam kết, tự thay đổi mình để chủ động hội nhập. Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, năng suất lao động của khu vực tư nhân còn rất thấp, khả năng cạnh tranh kém. Trong năm 2018 có đến 90.651 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 16.314 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục phá sản, “Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải thay đổi tư duy về cách cạnh tranh từ “cạnh tranh bằng quan hệ, công nghệ bằng phong bì” sang “cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng và công nghệ 4.0”. Cách cạnh tranh cũ không dùng trong cách mạng công nghiệp 4.0 được đâu. Muốn nâng cao năng suất lao động cần phải phát triển, tiếp cận công nghệ hiện đại; thay đổi hệ thống quản trị theo tư duy chủ động hội nhập và công nghệ số; và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Có như vậy doanh nghiệp tư nhân mới trở thành động lực của tăng trưởng, thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước”, bà Phạm Chi Lan nói.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-gi-de-hien-thuc-hoa-khang-dinh-kinh-te-tu-nhan-la-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-119038.html