Làm gì để hạn chế tình trạng cháy nổ nhà ống đô thị?

Thời gian qua tại một số đô thị lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… đã có nhiều vụ hỏa hoạn, cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đa phần những vụ cháy nổ đều xảy ra ở khu vực mặt bằng chật hẹp là kho hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu dân cư hoặc nhà dạng ống để ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ… Làm thế nào để giảm thiểu và hạn chế tình trạng cháy nổ cũng như những thiệt hại do cháy nổ gây ra đối với nhà ở riêng lẻ dạng ống ở khu vực đô thị là câu hỏi đang được dư luận hết sức quan tâm.

Kiểu nhà ống thường có những hạn chế, bất cập về lối thoát nạn, đường thoát hiểm. Do đó, người dân cần phải quan tâm đường thoát hiểm là ưu tiên hàng đầu.

Kiểu nhà ống thường có những hạn chế, bất cập về lối thoát nạn, đường thoát hiểm. Do đó, người dân cần phải quan tâm đường thoát hiểm là ưu tiên hàng đầu.

Hậu quả nghiêm trọng

Các sự cố hỏa hoạn, cháy nổ ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là tại khu dân cư đông đúc, chật trội mặt bằng hẹp ở các đô thị, thành phố lớn. Đặc biệt số vụ cháy, hỏa hoạn liên quan đến công trình nhà riêng lẻ dạng ống gia tăng và trở nên phổ biến. Từ đầu năm đến nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng tại các căn hộ nhà ở riêng lẻ, nhà dạng ống để lại hậu quả nặng nề, thiệt hại lớn.

Mới đây nhất ngày 4/4/2021 đã xảy ra vụ cháy tại cửa hang bán đồ sơ sinh tại địa chỉ số nhà 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa (Hà Nội) khiến 4 người tử vong. Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, thương tâm trên hiện đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Đồng thời, qua sự việc trên cũng thêm một lần gióng lên hồi chuông cảnh báo an toàn cháy nổ đối với các công trình nhà ở riêng lẻ dạng ống ở đô thị hiện nay chưa thực sự được người dân quan tâm đúng mức. Thậm chí ở nhiều nơi vẫn có tình trạng người dân thờ ơ với công tác phòng cháy chữa cháy cho chính căn nhà của mình.

Sau các vụ hỏa hoạn xảy ra, các ngành chức năng, cơ quan quản lý của địa phương đều có báo cáo, thống kê chỉ ra những nguyên nhân cũng như bất cập, đồng thời có những khuyến cáo, cảnh báo đến người dân sinh sống tại các nhà riêng lẻ dạng ống nhằm giảm thiểu và hạn chế tối đa những thiệt hại khi xảy ra cháy nổ gây ra.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau được chỉ ra sau các vụ cháy nhà ở riêng lẻ ở đô thị. Việc người dân vừa sử dụng nhà để ở kết hợp kinh doanh, cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nguy cơ cháy xảy ra. Mặt khác, căn hộ dạng ống mặt tiền thường hẹp, không có lối thoát hiểm. Trong khi đó, trang bị về các phương tiện phòng cháy chữa cháy lại hạn chế, thậm chí là không có. Ngoài ra, kiểu nhà ống thường có những hạn chế, bất cập về lối thoát nạn, đường thoát hiểm. Do đó, những vụ cháy nổ ở nhà ở riêng lẻ dạng ống vẫn xảy ra và thường có thiệt hại lớn, nghiêm trọng cũng là điều dễ hiểu.

Giải pháp nào cho an toàn cháy nổ nhà ở đô thị?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng xoay quanh câu chuyện an toàn phòng chống cháy nổ nhà ở riêng lẻ dạng ống, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc để đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất khi cháy nổ xảy ra cho người dân.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng phân tích: Vừa qua ở nhiều đô thị lớn xảy ra cháy nổ là nhà dân để lại những hậu quả đáng tiếc về người và tài sản. Và phần lớn là nhà nằm ở các hẻm, ở các ngõ phố. Trong đó có những nhà cháy là cửa hàng buôn bán, kinh doanh. Rõ ràng, ở đây tồn tại những bất cập. Cụ thể, nhà ở trong đô thị là nhà cũ, nằm san sát nhau không có cửa thoát hiểm, không có lối thoát hiểm, tất cả chỉ hướng ra mặt đường. Do đó người dân chỉ có thể thoát hiểm bằng các đường ở ban công, lô gia… là những không gian hở của công trình và đặc biệt là khu vực sân thượng của căn hộ. Tuy nhiên, do vấn đề an ninh, an toàn, nhiều gia đình đã đã vô tình bịt kín ban công, lô gia, làm rào kín sân thượng. Và đó là một trong những nguyên nhân khi mà xảy ra cháy, người dân không thoát nạn được, đồng thời cũng khiến cho công tác cứu hộ thêm khó khăn, mất nhiều thời gian.

Theo Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng, khi xin Giấy phép xây dựng và cải tạo nhà ở trong đô thị thì không có quy định nào là phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ mà chỉ có khuyến cáo. Mặt khác, ý thức phòng chống cháy nổ của người dân còn rất kém nên khi có cháy xảy ra họ cũng bị động.

“Có nhiều gia đình có bình cứu hỏa nhưng không biết sử dụng. Thậm chí nhiều gia đình kinh doanh nhưng cũng không trang bị, không có bình cứu hỏa chữa cháy. Trong khi đó, trong Luật Doanh nghiệp đã nêu rõ khi muốn kinh doanh mặt hàng nào thì phải có địa điểm phù hợp. Mặt khác, công tác giám sát của chính quyền địa phương cần phải tăng cường, sát sao hơn nữa và phải nghiêm túc trong việc cấp phép kinh doanh” - Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh về ý thức người dân và trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.

Để nhằm hạn chế và giảm thiểu tình trạng cháy nổ gây ra, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cũng đưa ra khuyến cáo và giải pháp: Đối với người cần dân tăng cường ý thức bảo vệ mình. Hãy dùng những khóa cửa thông minh dễ mở, dễ đóng để khi có hỏa hoạn có thể xử lý nhanh kịp thời chủ động thoát hiểm.

“Các gia đình ở sát nhau nên tạo mặt bằng sân thượng dễ đi lại để khi có cháy nổ, hỏa hoạn còn là nơi thoát hiểm và cứu trợ lẫn nhau, không nên rào kín. Người dân cần phải quan tâm đường thoát hiểm là ưu tiên hàng đầu.” - Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận.

Thanh Trà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/lam-gi-de-han-che-tinh-trang-chay-no-nha-ong-do-thi-303060.html