Làm gì để hạn chế ảnh hưởng của mưa đá?

Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 5 đợt mưa đá kèm theo gió lốc xảy ra tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, con người… mưa đá còn đang ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Bất thường, thiệt hại nặng nề

Trái với quy luật thời tiết nhiều chục năm qua, chiều ngày 24/1/2020 (chiều 30 Tết Nguyên đán), một số tỉnh miền núi như: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn đã có dông lốc, mưa lớn và mưa đá, đường kính trung bình mỗi viên đá từ 1 - 3cm, có viên to như quả trứng gà. Tiếp đó, ngày, 3/3, ngày 17/3 và ngày 20, 23, 24/3, mưa đá, dông lốc lại tiếp tục xảy ra trên diện rộng, khiến người dân các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu điêu đứng. Đây là những trận mưa đá mà theo nhiều già làng, trưởng bản đã sống qua gần trăm mùa lúa thì: “Chưa bao giờ thấy mưa đá nhiều và liên tiếp như vậy”.

Mận rụng tơi tả sau mưa đá ở tỉnh Sơn La

Mận rụng tơi tả sau mưa đá ở tỉnh Sơn La

Mưa đá và dông lốc đã làm hàng chục ngàn ngôi nhà mái fibro xi măng ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn), Trà Lĩnh (Cao Bằng), Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn (Bắc Kạn), Điện Biên, Tuần Giáo (Lai Châu), Si Ma Cai (Lào Cai), Phong Thổ, Mường Ẳng (Lai Châu)… bị tốc và thủng mái. Một diện tích không nhỏ cây cối, rau màu bị hư hại. Thấy rõ nhất là những vườn cam đang vào vụ ở Hà Giang, Tuyên Quang; những vườn mận đang xanh ở Sơn La, Lào Cai bị rụng tơi tả. Không ít vườn khoai tây, cây thuốc lá, lúa đang thời kỳ đẻ nhánh… vừa hôm trước còn xanh tốt, sau trận mưa đá đã dập nát, không thể thu hoạch…

Mặc dù sau mỗi đợt mưa đá, các địa phương đều chủ động khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, nỗ lực cao nhất, không để người dân nào phải chịu cảnh màn trời chiếu đất hay thiếu đói. Nhanh chóng di chuyển các hộ bị hỏng mái toàn bộ đến ở tạm nhà họp thôn hoặc nhà người thân gần nhất; cấp bạt, chăn để tạm thời ổn định chỗ ở cho người dân. Đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai – ông Nguyễn Xuân Cường cũng đã trực tiếp thăm hỏi, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa đá tại một số địa phương. Tuy vậy, những trận mưa đá bất ngờ vẫn khiến nhiều người, nhất là đồng bào vùng cao, không khỏi lo ngại.

Cách phòng, giảm thiểu thiệt hại mưa đá

Theo các nhà nghiên cứu khí tượng thủy văn: Hiện tượng mưa đá thường xuất hiện trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc ngược lại (tháng 3, 4, 5, 6 hoặc tháng 8, 9, 10 và 11). Mưa đá xảy ra lo sự bất ổn định trong không khí giữa luồng khí lạnh và nóng gặp nhau thường xảy ra chủ yếu ở vùng núi. Đây là lý do khiến các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang… phải hứng nhiều đợt mưa đá trong thời điểm vừa qua.

Thực tế rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá. Tuy nhiên, bà con có thể dựa vào một vài biểu hiện sau để lưu ý: Nếu thấy trời nổi dông, gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông, gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng “ù ù, ầm ầm” liên tục thì rất có thể không chỉ là dông lốc mà sẽ kèm theo mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá sẽ xảy ra. Nếu không may gặp mưa đá, bà con nên tìm chỗ trú ẩn an toàn, tập trung ở những ngôi nhà mái bằng, mái tôn kiên cố. Nếu ở trong nhà lợp fibro xi măng thì nên tìm nơi có thể “trốn” được như: Gầm bàn, gầm giường, tìm các vật cứng để che đầu đề phòng đá rơi vỡ ngói. Về lâu dài, để đề phòng mưa đá có thể xảy ra, quá trình xây dựng nhà cửa bà con nên lưu ý kết cấu khung mái, xà gồ phải sử dụng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn, được gia cố cẩn thận. Khi làm mái nhà nên thiết kế dốc nhiều xuống hai bên, cách dựng mái nhà này sẽ làm giảm lực tác động từ mưa đá, giúp giảm thiệt hại do mưa đá gây ra.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, dự báo sẽ còn xảy ra mưa đá, chính vì vậy với các loại cây trồng hoặc hoa màu dễ bị nát dập, bà con nên tận dụng tre, gỗ tạp quanh vườn nhà để dựng giàn che dọc theo luống. Chú ý dựng cọc chống phải chắc chắn và làm giàn dạng mái hình tam giác để khi va chạm đá sẽ rơi xuống hai bên luống cây mà không đâm thủng giàn che. Với diện tích cây ăn trái đã bị ảnh hưởng bởi mưa đá, bà con nên tập trung chăm sóc tốt cây và trái còn lại để đến mùa thu hoạch có thể thu hoạch được ít nhiều. Bởi lẽ, theo quy luật thường thấy, khi cây ăn quả bị mất mùa, trái cây thu được có giá bán tốt hơn hẳn.

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-gi-de-han-che-anh-huong-cua-mua-da-135024.html