Làm gì để giữ vững đà tăng trưởng của du lịch?

QĐND -- Kể từ năm 2011, khi thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch nước ta đã phát triển nhanh và tạo nhiều đột phá, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, ngành du lịch thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Du lịch đơn độc là du lịch tụt hậu

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2018, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với năm 2017; khách nội địa đạt 80 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 620.000 tỷ đồng (gần 27 tỷ USD), tăng 21,4% so với năm 2017… Những kết quả này đã vượt mục tiêu đề ra cho đến năm 2020: Đón 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 47-48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD.

Tuy nhiên có thể thấy, những mục tiêu và dự báo của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 không còn phù hợp. Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam cần có tầm nhìn mới để ứng xử với xu hướng phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhất là khi bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến đổi. Đánh giá thận trọng về sự phát triển của ngành du lịch, GS, TSKH Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phụ trách du lịch, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng: "Kết quả đạt được trong 8 năm thực hiện chiến lược của ngành du lịch, nếu so với sự phát triển chung của các ngành khác thì tốt nhưng rõ ràng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước. Việt Nam chưa thực sự trở thành điểm đến về du lịch có sức cạnh tranh cao của khu vực ASEAN. Câu hỏi "Du lịch Việt Nam bao giờ bằng du lịch Thái Lan, Malaysia, Singapore?" vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng".

 Vịnh Nha Trang, thành viên thứ 29 của câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Vịnh Nha Trang, thành viên thứ 29 của câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Có thể nói, quản lý Nhà nước về du lịch hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả thực chất. Theo TS Nguyễn Phúc Đức, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Chúng ta vẫn còn thiếu chính sách phù hợp, chưa thông thoáng, phối hợp liên ngành yếu, liên kết địa phương chưa hiệu quả. Sức mạnh của du lịch nằm ở địa phương và doanh nghiệp nhưng quản lý du lịch ở địa phương còn hạn chế, quản lý doanh nghiệp chưa thật giỏi, quan hệ công-tư còn nhiều khuất mắc, vai trò của hiệp hội chưa được đề cao. Rõ ràng cả 3 khâu: Bộ máy, con người, cơ chế đều có vấn đề và chưa được giải quyết triệt để. Du lịch phải có tầm nhìn liên ngành, du lịch đơn độc là du lịch tụt hậu.

Chúng ta hiện có lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Festival Huế, phố cổ Hội An… nhưng chừng đó là rất khiêm tốn. Các lễ hội khác đa phần giá trị là sự kiện giải trí tại chỗ, phục vụ người địa phương và khách du lịch ngẫu nhiên có mặt chứ ít khi họ tới vì những lễ hội đó. Bài toán hấp dẫn khách du lịch và kéo họ trở lại nhiều lần là rất khó. Một điểm đến du lịch danh tiếng không chỉ dựa vào thế mạnh thiên nhiên ban tặng để xây đắp chiến lược cạnh tranh lâu dài. “Chúng ta nói rất nhiều về nhu cầu phát triển một chiến lược bền vững nhưng hầu như chưa có ai gọi tên được một cách chính xác chiến lược ấy là gì. Hầu như chúng ta đang chỉ khai thác những gì có sẵn, "bào mòn" dần những gì thiên nhiên, lịch sử và văn hóa truyền thống để lại. Những sản phẩm du lịch sáng tạo thêm thì hầu như chỉ đơn lẻ, rải rác nhằm phục vụ nhu cầu của khách đến nghỉ dưỡng là chính chứ không phải được thiết kế để kéo khách đến và trở lại”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay cho hay.

Hình thành hệ sinh thái của điểm đến

Nhận diện rõ những thuận lợi, thách thức, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển, Chính phủ liên tục có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tại các phiên họp thường kỳ, như: Triển khai thực hiện Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25-1-2017 quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; thông qua Nghị quyết số 56/2017/NQ-CP cho phép gia hạn một năm quy định miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân 5 quốc gia Tây Âu… GS, TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng: "Ngoài việc có những chính sách phù hợp như trên, ngành du lịch cần có quy hoạch chuẩn, trước tiên là định hình các mô hình du lịch. Các quy hoạch này cần hết sức cụ thể chứ không tùy tiện. Chính từ quy hoạch đó mới quyết định được vấn đề liên kết du lịch giữa các tỉnh, các vùng với nhau. Song song với đó là phát triển hạ tầng giao thông giúp quá trình liên kết đạt hiệu quả cao, nhanh chóng".

Một điểm đến khi bắt đầu xây dựng cần có một ý tưởng trung tâm định vị thương hiệu, từ đó làm căn cứ để hình thành hệ sinh thái bao quanh, hỗ trợ cho ý tưởng trung tâm nhằm đạt được mục tiêu tạo sức hút riêng biệt đối với khách du lịch, khiến họ quay trở lại nhiều lần và sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm riêng có của điểm đến. Ví dụ ở Tây Ban Nha, thành phố Alcanĩz trước đây rất ít du khách biết tới, bỗng trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của châu Âu. Sự lột xác này bắt nguồn từ năm 2008 khi thành phố xây dựng trường đua mô tô Ciudad del Motor de Aragón và khu thi đấu thể thao, giải trí, văn hóa như một phần tương hỗ. Chỉ đến năm 2010, trường đua này đã thay thế trường đua Balatonring để trở thành một phần của cuộc đua MotoGP toàn cầu. Hệ sinh thái du lịch cho mỗi địa phương, cho mỗi vùng du lịch cần phải được xây dựng xung quanh một hoặc một số sản phẩm chiến lược như thế.

Đề cập tới xu hướng phát triển, theo TS Hồ Xuân Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dấu ấn Việt Nam: Nếu như cảm nhận về cảnh quan thường không đổi thì yếu tố trải nghiệm thường thay đổi sau mỗi chuyến đi. Như vậy điểm mấu chốt của việc giữ chân du khách, khiến họ quay trở lại chính là cảm nhận của du khách chứ không đơn thuần chỉ là cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ vĩ như chúng ta hay quan niệm. Chính vì thế, du lịch gắn với văn hóa là mô hình phát triển bền vững, không tốn quá nhiều chi phí ban đầu cũng như ít tác động tới thiên nhiên. Càng khai thác thì càng xây dựng được bề dày và làm giàu được vốn văn hóa bản địa, đồng thời cộng đồng dân cư sở tại là yếu tố cốt lõi duy trì và được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch.

HOÀNG VIỆT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/lam-gi-de-giu-vung-da-tang-truong-cua-du-lich-569345