Làm gì để giảm tỷ lệ trẻ em đuối nước trong dịp hè?

Mới vào đầu hè nhưng ở nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em chết đuối thương tâm. Vây làm thế nào để giảm tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước?

Theo thống kê, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 6.000 người trong đó có gần 2.000 trẻ em, bị chết do đuối nước. Con số này cao gấp 10 lần so các nước đang phát triển, cao hơn 5 lần các nước ASEAN. Đây là con số khiến chúng ta cảm thấy đau lòng, gióng lên hồi chuông về tình trạng đuối nước, nhất là trong dịp nghỉ hè.

Chỉ trong hơn một tuần, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm khiến gần 30 học sinh bị chết đuối. Mới đây nhất, ngày 30/5, trên địa bàn xã Bắc Thành (Yên Thành, Nghệ An) đã xảy ra vụ đuối nước tập thể vô cùng thương tâm khiến 5 học sinh lớp 8 tử vong.

Nơi 5 học sinh trường THCS Trung Thành (Yên Thành, Nghệ An) bị đuối nước

Nơi 5 học sinh trường THCS Trung Thành (Yên Thành, Nghệ An) bị đuối nước

Trong vòng 1 tuần (từ ngày 23 đến 29/5) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình liên tiếp xảy ra 4 vụ đuối nước, làm 9 em nhỏ tử vong. Trước đó, ngày 25/5, nhóm 6 nữ sinh lớp 6 ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) rủ nhau đi tắm suối, 4 em tử vong do đuối nước. Ngày 21/5, do được nghỉ học, 4 học sinh một trường THCS ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) ra sông tắm, do gặp phải dòng nước sâu, cả 4 em tử vong do bị nước cuốn trôi.

Đặc biệt, vụ việc 8 học sinh ở Hòa Bình rủ nhau đi tắm sông và cả 8 em tử vong do đuối nước hồi cuối tháng 3 vừa qua khiến ai nghe cũng thấy đau lòng.

Nỗi lo đuối nước đã trở nên ám ảnh với nhiều bậc phụ huynh khi mùa hè đến. Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra lúc này là vì sao các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, nhưng số vụ trẻ em đuối nước vẫn có chiều hướng gia tăng? Phải làm gì để không còn những cái chết thương tâm vì đuối nước?

Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, nhận thức xã hội và người dân về phòng chống đuối nước còn hạn chế, nhất là các bậc phụ huynh. Sự giám sát, chăm sóc trẻ ở vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều.

“Phụ huynh thường chủ quan, không hiểu được tầm quan trọng của vấn đề đuối nước dẫn đến hậu quả như thế nào. Chính vì họ không hiểu điều đó nên không rèn cho con biết bơi hoặc có kỹ năng để xử lý dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Ý thức này cũng do việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng về đuối nước cho trẻ em chúng ta đã làm nhưng tôi nghĩ rằng chưa thường xuyên”, TS Kim Quý nói.

Mặc dù từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh nhưng đến nay mới chỉ có gần 100/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Hiện cả nước chỉ có khoảng 30% trẻ em biết bơi.

Theo các chuyên gia xã hội học, nhiều trẻ em biết bơi nhưng vẫn chết đuối bởi các em không được trang bị kỹ năng mềm phòng chống đuối nước, nên chính các nạn nhân đã gặp phải những rủi ro đau lòng.

Ông Trần Văn Hải, giảng viên môn Giáo dục thể chất, trường Đại học Hà Nội cho rằng, biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước:

“Đa số các trường hợp đuối nước nguyên nhân do bị chuột rút, bị say nắng, say nóng hoặc bị cảm do xuống dưới nước, không kiểm soát được cự ly, tốc độ và độ sâu thì cũng dẫn đến bị sặc nước, bị ngạt nước và đuối nước. Các thầy cô, những người hướng dẫn học bơi cũng cần phải cảm nhận rõ, trang bị đầy đủ các kỹ năng, kỹ thuật, động tác bơi trong các vùng sông nước, các vùng địa hình tự nhiên, trong bể bơi ở các khu vực có mực nước thấp đến cao, mức nước nông đến sâu, có những trải nghiệm không cần phải đeo kính hoặc không cần trang thiết bị bơi, đảm bảo vẫn có thể nổi trên mặt nước, đứng trên mặt nước hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm", ông Hải nói.

Trong khi môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt. Nhiều ngôi nhà, trường học gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn… điều quan trọng nhất là người lớn, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt dưới 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các con không được đến gần sông, hồ, không xuống nước nếu không có người lớn đi cùng.

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc giám sát trẻ là vô cùng quan trọng: “Chúng tôi cũng xây dựng các tờ rơi, áp phích dán các nơi công cộng, các trường học, những nơi các em vui chơi để cảnh báo tất cả những nguy hiểm dẫn đến đuối nước cho trẻ em. Tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, cần giám sát và quản lý con trong thời gian nghỉ hè. Phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, giám sát trẻ để giảm nguy cơ dẫn đến đuối nước.

Để việc học bơi không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ các trẻ em không bị đuối nước khi bơi, nhất là khi kỳ nghỉ hè đã đến. Trong Lễ phát động toàn dân học bơi diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em đã yêu cầu các cấp, các ngành nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng đưa phong trào bơi, phòng chống đuối nước có bước phát triển tốt hơn. Tạo chuyển biến tốt để giảm thiểu số người bị đuối nước hàng năm ở Việt Nam, đầu tiên là bằng mức trung bình của ASEAN, sau đó là của thế giới./.

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lam-gi-de-giam-ty-le-tre-em-duoi-nuoc-trong-dip-he-915961.vov