Làm gì để gạo Việt không 'vô danh'?

Nhiều chuyên gia của Việt Nam cho rằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lâu nay vẫn rất thấp so với các nước khác do chúng ta không chú ý đến xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Câu chuyện giá trị của gạo Việt

Gạo ST25 của Việt Nam vừa giành giải gạo ngon nhất thế giới. Đây là một tin vui, tuy nhiên có một thực tế là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lâu nay vẫn rất thấp so với các nước khác.

Sau một thời gian dài chủ yếu xuất khẩu gạo có phẩm chất thấp thì nay nước ta đã xuất khẩu phần lớn gạo thơm. Mặc dù vậy, giá gạo xuất khẩu của nước ta lại rất thấp so với các nước khác, giá bán cao nhất cũng chỉ 750 - 800 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan với phẩm chất tương tự được bán với giá 1.100 - 1.200 USD/tấn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Trung Kiên khẳng định: Chất lượng gạo nước ta hiện không thua kém bất cứ gạo xuất khẩu của nước nào trên thế giới.

Có một thực tế là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lâu nay vẫn rất thấp so với các nước khác

Có một thực tế là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lâu nay vẫn rất thấp so với các nước khác

Cùng quan điểm đó, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng: “Gạo Việt chất lượng chẳng thua ai, chỉ thua một cái là kém nổi tiếng".

Ông Bình cũng nhận định: "Sở dĩ gạo Thái Lan, Campuchia có giá cao là do họ làm thương hiệu tốt, tạo được niềm tin về chất lượng với khách hàng. Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam dù chất lượng cao nhưng không ai biết nên luôn có giá thấp".

Câu chuyện thương hiệu chính là nút thắt dẫn tới việc dù nước ta đã chuyển qua xuất khẩu gạo chất lượng cao nhưng giá trị thu về cũng không thay đổi nhiều so với thời kỳ xuất khẩu gạo thường.

Chuyên gia Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương) cũng cho rằng, giá xuất khẩu gạo thấp do chúng ta không chú ý xây dựng thương hiệu gạo Việt mà chỉ xuất khẩu theo kiểu “vô danh”.

"Trên thực tế cũng có một số doanh nghiệp tư nhân đã chú trọng xây dựng thương hiệu nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, trong chuỗi giá trị nông sản, doanh nghiệp chưa đứng ra làm vai trò kết nối, liên kết và dẫn dắt nên thương hiệu gạo Việt vẫn còn kém. Đối với những thương hiệu mạnh, có thị trường ổn định thì các doanh nghiệp rất ít bỏ tiền ra để bảo vệ thương hiệu của mình ở nước ngoài". - Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy bổ sung.

Bên cạnh đó, hầu hết giống gạo đoạt giải của nước ta đều đang ở quy mô sản xuất nhỏ, chưa phổ biến. Nguyên Phó Trưởng ban Nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại Nguyễn Đình Bích (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương) cho rằng, "phần lớn gạo Việt vẫn là giống ngắn ngày, chất lượng chưa cao, sử dụng phân bón hóa học “vô tội vạ”. Việt Nam cũng chưa có thương hiệu gạo nào được công nhận là thương hiệu quốc gia nên không được thị trường thế giới đánh giá cao".

Làm sao để gạo Việt không "vô danh"?

Vấn đề khó khăn nhất của gạo Việt chính là câu chuyện làm sao để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quốc gia. Bàn về vấn đề này, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, cần phải chú trọng đến yêu cầu về chất lượng. Theo đó, quy hoạch vùng sản xuất lúa trên một diện tích tối thiểu phải đạt từ 10 - 13ha trở lên để có mã vùng, với điều kiện giống lúa phải bảo đảm tiêu chuẩn bên hợp đồng. Không những quy hoạch tại địa phương mà còn phải quy hoạch kể cả về vùng miền, đặc biệt là đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như vậy sẽ tạo được số lượng đủ lớn và chất lượng ổn định.

Ông Thủy cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn phải liên kết với doanh nghiệp nhỏ để trở thành vệ tinh, đảm nhiệm từng khâu, trên cơ sở đó các tập đoàn lớn phải gương mẫu đi trước xây dựng các thương hiệu để hạt gạo vươn ra thế giới.

Ngoài ra, cần thiết phải có mối liên kết ngang chiến lược, toàn diện giữa Bộ NN - PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ về các tiêu chuẩn như đo lường chất lượng, lượng bán, thị trường… để nông dân có thể lựa chọn được các thị trường lớn, có giá trị sinh lời cao và theo đuổi lợi ích ấy thì mới có thể xây dựng được thương hiệu gạo Việt thành công.

Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế mở rộng cũng như các chính sách thông thoáng để tạo điều kiện cho sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thành phần kinh tế tư nhân, song song với việc phối hợp giữa các địa phương, nông dân để khoanh vùng, sản xuất ra những loại gạo có thương hiệu, chuyên gia Phạm Tất Thắng đề xuất. Bởi vì theo xu hướng của các ký kết trong hiệp định thương mại tự do (FTA), các sản phẩm cần phải có truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như các thương hiệu có uy tín trong sản xuất và phân phối.

Trong khi đó, về phía chính doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho hay: Rủi ro cao nhất, hay gặp phải nhất chính là việc khi công ty đầu tư vào các vùng trồng nhưng đến khi thu hoạch thường sẽ không mua lại được theo đúng sản lượng.

Khi gạo tại vùng trồng mà doanh nghiệp đầu tư đạt tiêu chuẩn rất ngon, những tiểu thương hiểu được điều đó nên sẽ đến mua với mức giá cao hơn doanh nghiệp đầu tư, mà người nông dân thích giá cao, họ sẵn sàng bán ra ngoài... Bảo Minh mất rất nhiều công sức cũng như giá trị đầu tư từ nền tảng ban đầu để thu hoạch được sản lượng như cam kết.

"Chúng tôi mong muốn có những điều khoản, điều luật để làm sao chúng tôi được bảo lãnh bởi các cơ quan nhà nước, bảo lãnh tại Sở và có những luật nghiêm khắc đối với các bên khi chúng tôi đầu tư quy hoạch vùng trồng", TGĐ Công ty kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh kiến nghị.

Trở lại câu chuyện về gạo ST25 của Việt Nam giải thưởng gạo ngon nhất thế giới, chuyên gia Phạm Tất Thắng cho rằng đây là kết quả ban đầu, “khi nào nông dân trồng lúa có thu nhập bằng hoặc cao hơn những người nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi…, đó mới là thước đo chính xác để đánh giá sự thành công trong xây dựng thương hiệu gạo Việt”.

Bảo Loan

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/lam-gi-de-gao-viet-khong-vo-danh-161897.html