Làm gì để đối mặt với phòng vệ thương mại đằng sau các Hiệp định tự do?

Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định tự do thương mại, nhất là khi ngày hôm qua, Hiệp định EVFTA đã được Quốc hội thông qua sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước ta.Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức đặt ra cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các rào cản phòng vệ thương mại (PVTM).

Theo số liệu của Bộ Công thương cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, Bộ Công thương đang xử lý 10 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, tiếp nhận xử lý 3 vụ việc có nguy cơ khởi xướng điều tra trong thời gian tới.

Bên cạnh các vụ việc điều tra mới khởi xướng, Bộ Công thương luôn theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc rà soát biện pháp với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực tới doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Điển hình là các vụ việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm, cá tra do Hoa Kỳ điều tra, áp dụng từ những năm 2002.

Tính đến hết năm 2019, sản phẩm tôm đã trải qua 14 lần rà soát, sản phẩm cá tra đã trải qua 15 lần rà soát. Trong mỗi lần rà soát, doanh nghiệp và chính phủ đều phải đầu tư nguồn lực để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trong thương mại quốc tế, Bộ Công thương luôn đồng hành và có những phương án xử lý kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp.

Chính vì vậy, mặc dù vẫn bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá nhưng sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam vẫn đạt được kim ngạch xuất khẩu lớn, giữ ổn định thị trường trong suốt những năm qua.

Từ những vụ việc trên, Bộ này cho biết, việc hiểu rõ các quy định về thương mại của quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là các quy định về PVTM được áp dụng ở mỗi quốc gia đang ngày càng trở nên quan trọng, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó nhanh với các vụ kiện tranh chấp thương mại ở nước ngoài, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà xuất khẩu của Việt Nam trước sự bảo hộ ngành sản xuất trong nước hoặc trong các vụ kiện giải quyết tranh chấp tại WTO.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục phối các Bộ ngành và hiệp hội liên quan để thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, tiến hành trao đổi song phương với các cơ quan cùng cấp tại các nước nhập khẩu, yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy định của WTO cũng như các điều khoản ký kết trong các Hiệp định FTA khi áp dụng các biện pháp PVTM để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam khi ứng phó kịp thời với các vụ kiện ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp trong nước.

Minh Nhật

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/dung-hang-viet/lam-gi-de-doi-mat-voi-phong-ve-thuong-mai-dang-sau-cac-hiep-dinh-tu-do-89575.html