Làm gì để doanh nghiệp tư nhân phát triển?

Dù chiếm số lượng lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; tạo việc làm cho gần 80% tổng số lao động; đóng góp phần lớn trong tổng GDP;… song các doanh nghiệp tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp nào để hỗ trợ khối doanh nghiệp này là nội dung được chia sẻ tại hội thảo 'Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ' được tổ chức sáng ngày 27/11, tại Hà Nội.

Đóng góp lớn nhưng vẫn… “nhỏ”

Vẽ bức tranh về khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) - gồm DN nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đưa ra số liệu: 98,6% số DNTN có quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ; đặc biệt, các DNTN có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 người) chiếm tới gần 70%; tỷ lệ DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.

Nhà nước cần hỗ trợ nhiều và toàn diện hơn với các DNTN trong tất cả các giai đoạn phát triển

Trả lời câu hỏi: Họ là ai? ông Thành chỉ rõ: Họ không chỉ là “động lực” phát triển mà còn là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn; là tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp; không có họ không có thị trường vì họ là nhân tố cạnh tranh.

Chứng minh, ông Thành dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê trong năm 2017 cho thấy, xét về tỷ trọng đóng góp trong GDP, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 43% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế (khoảng 10 triệu lao động), góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội…

Thế nhưng, các DNTN vẫn rất “nhỏ bé” nếu xét trên khía cạnh đóng góp vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, với riêng các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, theo tính toán chưa đầy đủ, trung bình hàng năm khối các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể chỉ góp vào 1,6% tổng thu ngân sách quốc gia.

Cũng để chứng minh các DNTN vẫn rất “nhỏ bé”, diễn giả Tôn Thu Hiền và Nguyễn Thị Minh Hằng - Học viện Tài chính, Bộ Tài chính - so sánh, trong giai đoạn 2012-2017, nếu mức nộp ngân sách Nhà nước bình quân/năm của 01 DN nhà nước là 104 tỷ đồng và DN FDI là 18 tỷ đồng thì mức nộp ngân sách của 01 DN ngoài nhà nước chỉ là 1 tỷ đồng.

“Bắt bệnh” và “bốc thuốc”

“Các DNTN Việt Nam còn thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn, thậm chí “không muốn lớn” - ông Võ Trí Thành khẳng định và bổ sung, các DN nhỏ và siêu nhỏ này gặp rất nhiều hạn chế về vốn, nhân lực chất lượng cao, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài và khả năng tham gia vào mạng lưới DN phụ trợ cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Vì vậy, sự gia tăng vốn đầu tư nước ngoài và xuất hiện của các tập đoàn trong và ngoài nước lớn không tạo ra một hiệu ứng lan tỏa đáng kể về tăng trưởng đến các công ty nhỏ và siêu nhỏ nội địa.

Không chỉ có vậy, do những hạn chế nói trên nên DNTN khó thụ hưởng những lợi ích từ hội nhập và ưu đãi của Chính phủ và sẽ đứng trước rủi ro rất lớn khi phòng tuyến bảo hộ hàng Việt Nam đang ngày càng bị “xuyên thủng” bởi các hiệp định thương mại tự do.

Đáng lưu ý hơn khi ông Thành nêu thực tế, “sự biến mất của một quán mì nhỏ đã tồn tại 20 năm không thu hút bằng việc một DN lớn phải bán thương hiệu phở cho nước ngoài” để rồi vị chuyên gia này nhận định, “vì quy mô siêu nhỏ của mình, những DN này đang bị “ngó lơ” và “tiếng nói của họ ít được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông và do đó ít thu hút sự quan tâm của công chúng và cơ quan Chính phủ”.

Về những hạn chế khác, các chuyên gia liệt kê từ việc nhiều DNTN thường có quan niệm bảo thủ rằng khi đầu tư là muốn có ngay doanh số, sớm có lợi nhuận; thiếu kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh… đến vấn đề công khai minh bạch sổ sách chứng từ còn hạn chế…

Ở khía cạnh pháp luật với các hộ kinh doanh cá thể, các chuyên gia tại hội thảo bổ sung thêm, pháp luật hiện hành quy định hộ kinh doanh cá thể không hoàn toàn là thương nhân thể nhân, không có tư cách pháp nhân nên gây khó khăn trong việc chịu trách nhiệm về các khoản nợ nên rất khó tiếp cận vốn vay và nếu có vay được thì số lượng vay cũng không nhiều và thời hạn vay rất ngắn. Và hệ quả là khó mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường hay đổi mới phương thức sản xuất, phương thức kinh doanh, đổi mới khoa học công nghệ...

Tất cả các điểm yếu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể. Họ không tận dụng được các cơ hội rộng lớn của thị trường để phát triển.

Đưa ra giải pháp, các chuyên gia tập trung vào 3 vấn đề, trước hết về cơ chế, chính sách, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều và toàn diện hơn với các DNTN trong tất cả các giai đoạn, từ gia nhập thị trường, thực hiện hợp đồng kinh doanh, hoạt động cạnh tranh và quá trình rút lui khỏi thị trường, trong đó, các chính sách về đất đai, vốn, công nghệ, nhân lực… cần được chú trọng.

“Cần làm rõ việc hỗ trợ khởi nghiệp là hỗ trợ cho đối tượng khởi nghiệp hay hỗ trợ cho những cá nhân, tổ chức làm chức năng hỗ trợ cho đối tượng khởi nghiệp” – là ý kiến rất đáng quan tâm của TS. Thành.

Cùng đó, cần có những DN dẫn dắt, có thể là DN nhà nước, DNTN hay DN FDI để tạo động lực, hình thành chuỗi gắn kết giá trị. Và cuối cùng các chính sách phù hợp để “chính thức hóa” khu vực kinh tế này như một khu vực kinh tế cấu thành và có đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Hỗ trợ qua các chính sách thuế, bà Tôn Thu Hiền và bà Nguyễn Thị Minh Hằng đưa ra một số khuyến nghị, như: Cần áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa; áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho DN khởi nghiệp quy mô nhỏ; áp dụng hình thức khấu trừ thuế đầu tư đối với DN vừa và nhỏ khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ kinh doanh; đơn giản hóa và tăng hiệu lực quản lý thuế đối với DN nhỏ và vừa... với mục tiêu để họ thấy được các lợi ích sẽ được hưởng khi chuyển đổi thành DN lớn hơn.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-gi-de-doanh-nghiep-tu-nhan-phat-trien-112414.html