Làm gì để cứu người trẻ khỏi 'bóng ma' tai nạn lao động?

Nghiên cứu tiến hành năm 2017 tại Phú Thọ, Hưng Yên và Đà Nẵng với 900 lao động trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp và làng nghề cho thấy an toàn và đảm bảo sức khỏe tại nơi làm việc không phải là ưu tiên hàng đầu của họ và hầu như lao động trẻ không được đào tạo về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.

Lao động trẻ Việt Nam quá thiếu kiến thức về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc

Tai nạn đóng sập cơ hội cuộc đời

Em Đặng Anh Tấn (SN 1992) là con thứ hai trong gia đình có ba chị em ở xóm 9, xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Gia cảnh thuộc diện khó khăn, nên học hết lớp 9, Tấn bắt đầu đi làm thuê để kiếm tiền về đỡ đần cha mẹ nuôi em út ăn học và có tiền thuốc thang cho bố. Tháng 3/2016, trong lúc đi làm công nhân xây dựng Tấn bị máy vận thăng từ trên cao rơi xuống đè trúng người. Tấn bị chấn thương nặng, gãy cột sống, giập bàng quang, giập xương chậu, giập thận. Sau 4 tháng nằm viện Hà Nội để điều trị, hiện giờ, từ phần thắt lưng trở xuống chân của Tấn đã bị tê liệt, chân tay ngày càng teo tóp lại vì không thể cử động được nữa.

Tháng 7/2017, ông Phạm Văn Bốn, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Long An cho biết, Thanh tra Sở giải quyết đơn khiếu nại của bà Neang Nhay (SN 1977, trú ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) về việc con trai bà là cháu Chau Konl (14 tuổi) bị tai nạn lao động đứt lìa cánh tay trái nhưng gia đình và công ty chưa thỏa thuận được việc bồi thường.

Theo hồ sơ, đầu năm 2017 vợ chồng bà Neang Nhay và con trai là Chau Konl (thuộc hộ nghèo, dân tộc Khmer) xin vào làm việc tại Cty TNHH Nguyên phụ liệu giày Hoa Việt, đóng tại ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Khoảng 11h ngày 17/5, trong lúc vận hành băm phế liệu thì máy bị kẹt nên Konl đã dùng tay để trực tiếp đẩy vật liệu. Không may, tay trái em bị máy cuốn vào, cắt lìa bàn tay và làm giập nát cánh tay, phải cắt bỏ lên sát nách. Sau tai nạn, cha và mẹ Konl đều phải nghỉ việc để lo cho con trai. Do cảnh nhà quá khó khăn, trong khi công ty chỉ hỗ trợ 40 triệu đồng nên không đủ chăm sóc sức khỏe cho Konl...

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tai nạn lao động mà những lao động trẻ gặp phải và để lại hậu quả rất nặng nề cho sức khỏe, cuộc sống. Một nghiên cứu thuộc Dự án An toàn và Sức khỏe cho lao động trẻ do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ, với mục tiêu cải thiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho lao động trẻ ở Việt Nam được thực hiện vào năm 2017 tại Phú Thọ, Hưng Yên và Đà Nẵng cho thấy lao động trẻ Việt Nam quá thiếu kiến thức về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.

Nghiên cứu tiến hành với 900 lao động trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp và làng nghề và thấy rằng an toàn và đảm bảo sức khỏe tại nơi làm việc không phải là ưu tiên hàng đầu của họ và họ hầu như không được đào tạo về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.

Giáo dục sớm nghĩa là bảo vệ sớm

Đó là quan điểm của bà Tomoko Nishimoto - Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo đó, hiện nay, thế giới có 541 triệu người lao động trẻ tuổi (15-24 tuổi), trong đó bao gồm 37 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ chiếm hơn 15% lực lượng lao động trên thế giới và có nguy cơ cao, phải chịu các tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp cao hơn 40% so với những người trên 25 tuổi.

Còn theo ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH thì có nhiều yếu tố có thể làm tăng tính dễ tổn thương trong lao động đối với thanh, thiếu niên. Cụ thể, họ đang ở trong giai đoạn phát triển thể chất và tâm lý, thiếu kinh nghiệm làm việc và thiếu đào tạo, huấn luyện, nhận thức hạn chế về các mối nguy hiểm liên quan đến công việc và thiếu khả năng thương lượng. Điều đó có thể dẫn đến lao động trẻ chấp nhận những nhiệm vụ nguy hiểm, hoặc những công việc có điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn.

Là một quốc gia có đông lao động trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24, Việt Nam cũng đã ban hành những chính sách, quy định hướng tới việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho lao động trẻ. Nhưng song song với đó cũng đã và đang phải đương đầu với những thách thức và tồn tại trong ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động nói chung và trong lao động trẻ nói riêng, trong đó bao gồm cả thách thức trong vấn đề nâng cao nhận thức, kỹ năng và hiểu biết về việc tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh lao động của lao động trẻ, theo ông Hà Tất Thắng.

Vì thế, cùng với những nỗ lực cải thiện tình trạng hiện nay tại các nơi làm việc, giáo dục về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho thế hệ tương lai có vai trò đặc biệt quan trọng. “Giáo dục cho trẻ em về tầm quan trọng của an toàn sức khỏe nghề nghiệp là không thể thiếu nhằm đảm bảo tương lai việc làm an toàn. Bằng khả năng của mình, chúng ta phải đảm bảo rằng trẻ em nhận thức được và được bảo vệ thông qua các nguyên tắc giúp các em có cơ hội được làm việc trong môi trường an toàn và đảm bảo sức khỏe” – bà Tomoko Nishimoto nhấn mạnh.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/lam-gi-de-cuu-nguoi-tre-khoi-bong-ma-tai-nan-lao-dong-392828.html