Làm gì để chủ động giải cứu nông sản: Chuyện từ Đài Loan

Vừa qua nghe chuyện Đài Loan giải cứu xuất khấu quả dứa sang Trung Quốc ngoạn mục. Số là, lâu nay hầu hết dứa của Đài Loan được bán sang Đại lục (năm 2020 chiếm thị phần 97%), năm nay bỗng dưng Trung Quốc cấm nhập khẩu với cáo buộc phát hiện 'sinh vật gây hại' ở bên trong.

Quả dứa, dù theo phía Đài Loan 99,79% các lô hàng nhập khẩu đã vượt qua kiểm nghiệm nhưng việc nhưng Trung Quốc vẫn dừng nhập khẩu. Sau động thái của Bắc Kinh, người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan ngày 26/2 đã lên Twitter phát động một chiến dịch "Dứa tự do". Cùng ngày, lãnh đạo Đài Loan cũng lên Twitter kêu gọi người dân trên Đảo mua dứa. Kết quả không ngờ là chỉ sau 4 ngày nông dân Đài Loan đã nhận được đơn đặt hàng 41.687 tấn dứa từ hơn 180 doanh nghiệp, 19 nhà máy thu mua để chế biến, 14 cửa hàng đồ uống; các nhà buôn, các nhà xuất khẩu, tập doàn nước ngoài và người tiêu dùng - vượt qua kim ngạch xuất khẩu dứa sang Trung Quốc Đại lục năm 2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không chỉ vậy, Nhật Bản đã đặt hàng trước hơn 5.000 tấn dứa của Đài Loan, ngoài ra một nhà phân phối đa quốc gia Nhật Bản đã đặt hàng trước 1.200 tấn, nâng tổng số dứa được đặt lên 6.200 tấn. Một quan chức Đài Loan cho hay, đây là kỷ lục mới về xuất khẩu dứa sang Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn còn cam kết sẽ huy động 1 tỷ Đài tệ (53,9 triệu USD) để xử lý tác hại của lệnh cấm nhập khẩu của Đại lục và nỗ lực xuất khẩu dứa sang Mỹ, Nhật Bản, Singapore….

Ở ta, lâu nay từng nhiều lần phải giải cứu nông sản, nhiều mặt hàng chỉ biết xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã phải "lao đao" khi nhà nhập khẩu đưa ra chính sách mới khiến hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu và tại ruộng, không có nơi tiêu thụ. Còn cả chiêu trò thương lái bên họ sang đặt hàng tại ruộng, khi thu hoạch thì “bỏ của chạy lấy người”. Kế đến là do nền canh nông của ta chạy theo tâm lý đám đông, ồ ạt trồng rồi hò nhau chặt hạ. Xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm tươi nguyên hoặc sơ chế qua loa, cả ba lý do trên đều đã gây ra những cuộc giải cứu…

Đợt dịch covit vừa qua, không chỉ nông sản của vùng tâm dịch phải giải cứu, mà của một số địa phương khác phải cứu giải bởi quá lo dịch có nơi đã vội “ngăn sông cấm chợ”.

Song, tình thế nay đã đôi phần khác xưa. Tận dụng lợi thế từ FTA , các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã tìm “chợ” mới cho nông phẩm. Bưởi đường Bắc Giang có mặt tại Nga, vải thiều tươi vào Nhật, chuối tiêu bán trong chuỗi siêu thị Hàn Quốc, xoài sang Mỹ, nước mía "made in Vietnam" đắt hàng ở châu Âu nhờ nhân duyên cách đây 8 năm của một người Pháp, qua đó còn bán được máy ép mía!… Tất cả đã hợp sức để xuất khẩu rau quả mấy năm nay khởi sắc.

Việc triển khai chiến lược phát triển thị trường nội địa cùng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thành cao trào, hàng Việt nói chung và nông phẩm nói riêng thông thương cả nước, quanh năm. Bà con ta dù nơi đâu, rẻo cao hay vùng xa đã được thưởng ngoạn thơm thảo của trái xoài, thanh long, dưa hấu, mít trái mùa… phương Nam, ngọt ngào của cam, bưởi, vải thiều… phương Bắc.

Với tình thế mới nên khi phải giải cứu đã bình tĩnh, bài bản, cả hệ thống cùng vào cuộc. Nhiều phương thức, nhiều cơ sở vật chất của thương mại, đông đảo các hãng phân phối, nhà buôn chuyến, hộ bán lẻ và người tiêu dùng cùng chung tay giải cứu. Có chuyện bố mẹ từ công sở tan tầm tới điểm bán hàng giải cứu mua gói rau to, về nhà gặp con tan học lễ mễ vai đeo cặp, tay xách nặng túi khoai lang do nhà trường tham gia giải cứu. Mọi người tham gia giải cứu muốn chia sẻ nỗi nhọc nhằn của bà con nơi ruộng đồng, mất mùa khổ đã đành, được mùa cũng chẳng sướng. Cùng với đó, sự chỉ đạo quyết liệt, các văn bản hướng dẫn từ các cấp đã hướng đúng mục tiêu, tiếp thêm động lực.

Song, do rau quả từ khi gieo trồng phụ thuộc thiên nhiên, thu hái dồn dập theo mùa vụ, thành phẩm thì sáng tươi, chiều héo, mai ôi nẫu…, nên những cách làm trên dù có hiệu quả, kịp thời chỉ là giải pháp tình thế, nên phải tính tới những phương sách căn cơ, mới giảm thiểu tối đa việc phải giải cứu, đồng thời góp phần để nông nghiệp tận dụng lợi thế từ các FTA, bằng không sẽ là bộ phận chịu tổn thương nhất trong thời hội nhập, khẳng định vị thế cường quốc nông nghiệp. Theo đó, có thể là:

Thứ nhất, phải tạo ra rau quả sạch, từ giống, quy trình chăm sóc đến thu hoạch, năng xuất cao, chất lượng tốt, giá cạnh tranh, có sức chống chịu tác động của thời tiết, sâu bệnh, thương trường.

Thứ hai, quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh nông hiện đại, thành tựu mới về công nghệ sinh học, về chuyển đổi số, kết nối thông tin từ vườn cây tới các kênh tiêu thụ, đưa lên sàn giao dịch.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, tăng năng lực chế biến, từ thô sang tinh, từ thủ công sàng sẩy, phơi phóng, hun sấy chuyển sang công nghệ hiện đại, sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng.

Thứ tư, tận dụng ưu đãi từ các FTA, tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường, thoát phụ thuộc vào một thị trường.

Duy Nghĩa Lộ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-gi-de-chu-dong-giai-cuu-nong-san-chuyen-tu-dai-loan-153518.html