Làm gì để cát nhân tạo có chỗ đứng vững trên thị trường xây dựng?

Trước tốc độ đô thị hóa ngày càng cao khiến nguồn cát tự nhiên phục vụ cho xây dựng rơi vào tình trạng cạn kiệt, thì việc sử dụng cát nhân tạo là cần thiết. Để loại vật liệu xây dựng này 'gõ cửa' được các công trình xây dựng, rất cần có chính sách khuyến khích và lộ trình thực hiện cụ thể.

Theo số liệu thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên toàn quốc khoảng 130-150 triệu m3/năm, trong khi tổng công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Khái niệm còn... xa vời!

Theo tính toán của các ngành chức năng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ nguồn cung cát tự nhiên không đủ cầu. Chính vì vậy, việc phát triển cát nhân tạo (cát nghiền) là hướng đi phù hợp. Điều này cũng được thể hiện trong Nghị quyết số 46/NQ-CP.

Ông Lương Văn Hùng, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên đá xây dựng với trữ lượng lớn hàng vài chục tỷ m3 và nguồn sỏi sạn vùng biển Ðông hàng trăm tỷ m3 nên hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu thay thế nguồn cát tự nhiên dưới các lòng sông.

Thực tế, một số địa phương đã đẩy mạnh sản xuất cát nghiền và nhiều công trình xây dựng đã sử dụng loại vật liệu này để thi công như Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4, Nhà máy thủy điện Lai Châu. Đặc biệt, 95% bê tông của công trình thủy điện Sơn La sử dụng cát nhân tạo và được đánh giá cao về chất lượng.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ đá, sỏi... nhưng loại vật liệu này chưa được sử dụng nhiều trên thị trường.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ đá, sỏi... nhưng loại vật liệu này chưa được sử dụng nhiều trên thị trường.

Dù có nhiều tính ưu việt nhưng thực tế cho thấy, cát nhân tạo hiện chỉ chủ yếu dùng ở một số công trình xây dựng nhà nước, hoặc công trình do đối tác nước ngoài đầu tư, còn đối với công trình dân dụng, dường như khái niệm cát nhân tạo vẫn còn khá mới mẻ. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, dù đã cố gắng tiếp thị nhưng cát nhân tạo thực sự chưa có chỗ đứng trên thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là vì hiện nay mới chỉ có quy định các công trình xây dựng nhà nước phải sử dụng cát nhân tạo thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào thì mới được quyết toán ngân sách. Còn lộ trình, hành lang pháp lý để bắt buộc chủ đầu tư xây dựng phải sử dụng cát nghiền nhân tạo vẫn chưa có. Điều này khiến công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên bị hạn chế, nên người dân vẫn giữ thói quen sử dụng cát tự nhiên trong các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, dù có chất lượng cao nhưng một thực tế xảy ra đó là lượng cát nghiền vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 50 cơ sở sản xuất cát nhân tạo, khả năng cung ứng khoảng 15-20 triệu tấn/năm, chưa bằng 2/3 so với khối lượng cát tự nhiên được tiêu thụ. Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng sản xuất cát nhân tạo và nhu cầu thị trường.

Đó là chưa kể đến việc, có doanh nghiệp dù đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền nhân tạo nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc sản xuất chưa đa dạng sản phẩm. Điều này sẽ khó đáp ứng đủ tiêu chuẩn phục vụ các công trình xây dựng khác nhau, mà chỉ trở thành nguyên liệu sản xuất bê tông, gạch không nung, cấp phối bê tông… đơn thuần.

Đi cùng với đó là hành lang pháp lý cho loại cát này vẫn còn vướng. Cụ thể, Bộ Xây dựng vẫn chưa hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với công nghệ sản xuất ra cát nghiền, nên gây khó cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà máy Nghiền sàng đá và cát nhân tạo Việt Nam, cho biết hiện nay trong định mức cấp phối đã ban hành, mới có định mức cấp phối cho cát tự nhiên và cát vàng cho bê tông, chưa có định mức cấp phối bê tông sử dụng cát nhân tạo cụ thể. Trong khi định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền là căn cứ để xác định đơn giá xây dựng và dự toán xây dựng công trình. Nếu không có nội dung quy định định mức cấp phối thì cũng rất khó để ký kết và thanh quyết toán hợp đồng thi công xây dựng.

Theo đại diện nhiều đơn vị sản xuất cát nhân tạo, nếu những khó khăn trong việc tiêu thụ và hành lang pháp lý không được tháo gỡ, doanh nghiệp khó có thể duy trì lâu dài hoạt động các nhà máy.

Tạo "nền" chắc để thúc đẩy sử dụng

Trên thế giới, cát nghiền đang được dùng phổ biến do có nhiều tính chất đặc biệt như hạt cát đồng đều, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Bên cạnh đó, loại cát này cũng giúp tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.

Chẳng hạn như tại Ấn Độ và Trung Quốc, cát nhân tạo đã chiếm khoảng 70% lượng cát sử dụng trong xây dựng; tỷ lệ này tại Nhật Bản chiếm khoảng 90%.

Tại Việt Nam, nguồn cát tự nhiên khan hiếm được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát lậu xảy ra, đi cùng với đó là giá thành cát tự nhiên bị đẩy lên.

Ông Đinh Văn Nam, Giám đốc Công ty xây dựng Nam Long, cho biết giá cát loại tốt trên thị trường có lúc lên tới 650.000-720.000 đồng/m3, nhưng nhiều thời điểm, doanh nghiệp cũng khó mua được bởi nguồn cung khan hiếm.

Trong khi đó, theo các các cơ quan chức năng, do nguồn nguyên liệu dồi dào nên cát nhân tạo có giá rẻ hơn khoảng một nửa so với cát tự nhiên. Nếu đưa vào sử dụng rộng rãi sẽ giải quyết được bài toán thiếu cát xây dựng và hạn chế khai thác cát lậu, giảm chi phí xây dựng.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này, các ngành chức năng cần xây dựng hệ thống về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và quy định, hướng dẫn rõ ràng lộ trình sử dụng đối với vật liệu mới thay thế cát để người dân biết sử dụng. Tránh tâm lý lo ngại về chất lượng loại vật liệu mới có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) Lại Hồng Thanh cho hay, Nhà nước nên đưa ra định mức cũng như cách sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng một cách cụ thể. Trong đó, đưa ra tỷ lệ phối trộn giữa cát nghiền và cát tự nhiên để giảm bớt chi phí xây dựng và giúp người dân, doanh nghiệp từng bước thấy được hiệu quả và yên tâm sử dụng.

Theo ông Lương Văn Hùng, bên cạnh những doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền tiên tiến, quy mô công suất khoảng từ 100.000 – 500.000 m3/năm thì vẫn còn những doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất cát nghiền lạc hậu, nên tỷ trọng cốt liệu nghiền chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Do đó, ảnh hưởng đến quá trình xác định định mức cấp phối đối với cát nghiền nhân tạo để ban hành áp dụng chung.

Vì thế, ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư công nghệ phù hợp để bảo đảm quy trình và hiệu quả cấp phối cát nhân tạo. Tránh tình trạng lợi dụng sản xuất cát nghiền làm ảnh hưởng đến môi trường hoặc làm hao hụt tài nguyên đá, sỏi…

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/lam-gi-de-cat-nhan-tao-co-cho-dung-vung-tren-thi-truong-xay-dung-1085643.html