Làm gì để bù đắp sự thiếu hụt lao động nông nghiệp?

Giải pháp tối ưu nhất để bù đắp sự thiếu hụt lao động nông nghiệp chính là đẩy mạnh hiện đại hóa, cơ giới hóa.

Việc thiếu hụt nhân công khiến tiến độ thu hoạch tiêu của nông dân kéo dài. Trong ảnh: Ông Mai Văn Đạt, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức thu hoạch tiêu.

Việc thiếu hụt nhân công khiến tiến độ thu hoạch tiêu của nông dân kéo dài. Trong ảnh: Ông Mai Văn Đạt, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức thu hoạch tiêu.

Vào vụ lại đỏ mắt kiếm người lao động

Hiện đang là thời điểm rộ vụ thu hoạch của các vườn tiêu ở huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Cũng như năm ngoái, các nhà vườn nơi đây lại lao đao kiếm người làm. Ông Mai Văn Đạt (ở thôn Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cho biết: “Tôi có 1,5ha tiêu. Nhiều năm trước, đến kỳ thu hoạch, tôi thuê khoảng 10 người, làm liên tục trong 1 tháng là xong. Nhưng bây giờ chỉ thuê được 2 người. Hái tiêu không kịp nên tôi định cho trải bạt để hứng trái rụng. Cứ tình trạng này, muốn thu hoạch xong, phải cần tới hơn 3 tháng”.

Nhưng để thuê được vài lao động như ông Đạt cũng không phải dễ. Ông Đạt mất cả tháng trời, lặn lội sang Đồng Nai, Bình Dương, dò hỏi nơi này, nơi khác để thuê người. “Tôi muốn thuê một người làm thường xuyên, sẵn sàng trả tiền công 270.000/ngày để thu hoạch tiêu càng nhanh càng tốt. Nhưng thuê không được, đành phải thuê tạm 2 người ở huyện, rảnh lúc nào làm lúc đó”, ông Đạt ngán ngẩm.

Không chỉ có lao động hái tiêu mới khan hiếm, nghề trồng rau, trồng hoa đều trong cảnh tương tự. Những ông chủ vườn hoa cảnh ở Kim Dinh (TP.Bà Rịa), đến bây giờ vẫn chưa thể quên hết nỗi vất vả với vụ hoa tết vừa qua. Thời điểm đó, để bảo đảm xử lý hoa đúng vụ, trung bình 1.000m2 vườn hoa, cần đến trên dưới 10 nhân công. Nhưng người may mắn cũng chỉ thuê được 2-3 lao động. Ông Phùng Văn Đạt (khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) kể lại: “Tiền công lên đến 280.000 đồng/ngày, gấp đôi những năm trước mà cũng không thuê được người. Làm nghề hoa bây giờ khó nhất chính là lo được lao động vào đúng thời điểm mình cần”, ông Đạt nói.

Hệ quả của việc thiếu lao động đã và đang gây khó khăn cho ngành NN trong việc thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế. Không những vậy, thiếu hụt lao động còn gia tăng chi phí, tăng tổn thất và giá trị nông sản. Đương nhiên, đối với một tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ cấu dịch vụ, công nghiệp chiếm ưu thế tuyệt đối, thì việc thiếu hụt lao động nông nghiệp là chuyện sớm muộn gì cũng xảy đến. Vấn đề ở đây, chính là tốc độ của hiện đại hóa, cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa đủ để giải phóng sức lao động. Và đó là lý do, nâng cao năng lực cơ giới hóa ở mọi khâu trong sản xuất đang đặt ra ngày càng cấp thiết hơn.

Hệ thống tưới tiêu tự động cho cây thanh long tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, đem lại hiệu quả cao, tốn ít lao động.

ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA

Theo ngành NN tỉnh, hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi sang các loại hình NN khác đem lại hiệu quả cao nhưng tốn ít lao động. Chẳng hạn như tại huyện Châu Đức, ông Lê Quý Thịnh, Phó Phòng NN huyện cho biết: Huyện đã hỗ trợ thực hiện 39 mô hình thuộc 14 loại hình NN tốn ít diện tích, nhân công lao động như: trồng nấm, trồng dâu nuôi tằm, nuôi thỏ, nuôi gà trống thiến… Tuy nhiên, việc cơ giới hóa nông nghiệp chưa nhiều, chưa bao phủ hệt các khâu chu trình sản xuất.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện có 35 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất NN trong đó tập trung chủ yếu các khâu như bơm nước, phun thuốc BVTV, làm đất, vận chuyển. Cụ thể hơn là tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 60-100%, khâu tưới bằng máy 70-85%, phun thuốc BVTV 75-80%, dây chuyền cung cấp thức ăn cho vật nuôi đạt 60%. Trong khi đó, cơ giới hóa cho khâu thu hoạch gần như chưa có, ngoại trừ máy gặt đập liên hợp đối với thu hoạch lúa. Cũng có nghĩa, gần như toàn bộ sản phẩm nông nghiệp khi đến vụ thu hoạch đều phải dựa vào sức lao động. “Nhìn những nông dân ở nước ngoài, họ thu hoạch nho, thu hoạch khoai tây và cà chua bằng máy, chúng tôi cũng mơ ước lắm. Không biết bao giờ, nông dân xứ mình được như họ. Trồng bao nhiêu rau mới đủ tiền để mua một cái máy thu hoạch…”, một người trồng rau ở Tân Hải (TX. Phú Mỹ) tâm sự.

Lao động nông nghiệp giảm mạnh trong 10 năm qua

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, trong 10 năm qua, cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch rõ rệt. Nếu như năm 2010, lao động nông nghiệp chiếm 40% trong cơ cấu lao động trên toàn tỉnh, thì năm 2019 giảm chỉ còn 25% và con số này đang giảm theo từng năm.

Tại Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” diễn ra vào ngày 21/2 vừa qua, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Cơ giới hóa là khâu quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động trong NN - nông thôn và tái cơ cấu NN. Vì vậy, để thúc đẩy cơ giới hóa, ngành NN cần tiếp tục khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư. Đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện các mô hình “cánh đồng lớn” để nâng cao hiệu quả việc sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất NN phù hợp với yêu cầu áp dụng cơ giới hóa...

Bài, ảnh: KIM HỒNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202003/lam-gi-de-bu-dap-su-thieu-hut-lao-dong-nong-nghiep-893394/