Làm gì để bệnh viện công không bị tư nhân hóa?

Có thể vô tình hoặc cố ý các bệnh viện công lập quên mất quyền lợi của người nghèo, dẫn đến tư nhân hóa bệnh viện và nguy cơ hiện hữu.

Trong 2 bài viết trước của loạt bài “Đừng doanh nghiệp hóa, tư nhân hóa bệnh viện!” chúng tôi đã đề cập những mặt trái của cơ chế tự chủ bệnh viện và giải pháp mà các chuyên gia y tế, tài chính hiến kế để tránh tình trạng lạm thu, doanh nghiệp hóa bệnh viện.

Trên thực tế còn có một nguy cơ khác, đó là tư nhân hóa bệnh viện khi thực hiện tự chủ toàn diện. Bởi xã hội hóa y tế đang là xu hướng tất yếu, nhưng nhiều năm qua, Bộ Y tế chưa ban hành được quy định về mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập. Và dự thảo mới nhất Thông tư 14 của Bộ quy định về vấn đề này lại có mức trần rất cao. Trong phần cuối của loạt bài này, VOV phỏng vấn GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương về vấn đề này.

GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương (Ảnh: KT)

GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương (Ảnh: KT)

PV: Thưa ông, mới đây, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông có đề cập nguy cơ tư nhân hóa bệnh viện công lập khi thực hiện tự chủ toàn diện. Ông có thể cho biết những cơ sở để đưa ra nhận định này?

GS Nguyễn Anh Trí: Trước hết, phải khẳng định rằng, tự chủ là hướng đi đúng, định hướng tốt của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho y tế phát triển tốt hơn, phục vụ nhân dân cũng như có điều kiện tái đầu tư cho bệnh viện, đảm bảo đời sống của cán bộ nhân viên làm công tác y tế. Trên thực tế vấn đề tự chủ tại các bệnh viện đã phát huy được tác dụng đó.

Vừa qua, có Nghị quyết 33 của Chính phủ và Dự thảo Thông tư 14 của Bộ Y tế quy định về mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện tự chủ toàn diện. Tôi cho đó là cần thiết nhưng đang có một nguy cơ đó là: các bệnh viện công lập bị tư nhân hóa.

Tôi đã nhận thấy được nguy cơ đó trong Nghị quyết 33 đã đề cập vấn đề này, tại mục 2 ghi rất rõ: Bộ Y tế phải có cách làm, biện pháp để đảm bảo cho các quyền lợi của người khám bệnh bằng bảo hiểm y tế, quyền lợi cho người nghèo, những đối tượng chính sách và những người yếu thế. Phải làm được việc này thì mới đảm bảo an sinh xã hội.

Nghị quyết 33 về tự chủ bệnh viện rất tốt trong việc phục vụ những người có tiền, có điều kiện, có tiền. Nhưng bên cạnh đó phải đảm bảo quyền lợi cho những người nghèo, những người yếu thế khi đi viện.

Với mục tiêu như vậy, cần phải có định mức, tỷ lệ phần trăm nào đó để bệnh viện làm dịch vụ theo yêu cầu, còn phần lớn là phải phục vụ người dân bảo hiểm y tế tại bệnh viện công. Cử tri hiện nay đang rất lo lắng

PV: Từng là người đứng đầu một bệnh viện lớn, tuyến Trung ương, ông có thể chia sẻ về việc bệnh viện phải tìm cách lấy thu bù chi, khi không còn được Nhà nước cấp ngân sách. Và có lúc nào người đứng đầu bệnh viện phải nôn nóng về việc tăng nguồn thu và thu hồi vốn khi phải vay vốn để thực hiện xã hội hóa không, thưa ông?

GS Nguyễn Anh Trí: Nôn nóng thì nơi có nơi không, tùy thuộc vào từng người đứng đầu bệnh viện, nhưng áp lực đối với các bệnh viện tự chủ là có. Tôi từng là giám đốc bệnh viện nên hiểu rõ về áp lực phải có nguồn thu lớn để đảm bảo đời sống của cán bộ, nhân viên.

Tỷ lệ để làm dịch vụ theo yêu cầu chỉ tối đa 15 % còn lại chủ yếu vẫn phải phục vụ cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, bệnh nhân nghèo.

Tuy nhiên cũng có nguy cơ rất lớn, tiềm ẩn mà người lãnh đạo các bệnh viện tự chủ phải nhận ra đó là sự hám lợi, đặc biệt nếu khi dự thảo Thông tư 14 quy định về mức trần dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện công lập, nếu ra đời thì vô cùng dễ để kiếm tiền làm giàu, cơ chế chính sách nhiều khi đã tạo ra những mong muốn đó. Từ đây là nguy cơ tư nhân hóa bệnh viện công lập càng diễn ra nhanh hơn.

PV: Theo ông, nguy cơ tư nhân hóa bệnh viện thể hiện ở những điểm nào? Và đâu là những lỗ hổng chính sách có thể dẫn đến tình trạng này khi bệnh viện được tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện?

GS Nguyễn Anh Trí: Nguy cơ bệnh viện công lập dễ bị tư nhân hóa ở các điểm sau: Thứ nhất là hệ thống cơ sở pháp lý về cơ bản để cho bệnh viện thực hiện tự chủ là có nhưng tôi xin lưu ý là chưa cụ thể.

Thứ 2 là hệ thống văn bản pháp quy đặc biệt nhất là dự thảo mới nhất Thông tư 14 của Bộ Y tế quy định về giá dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện công lập đã hướng dẫn một mức trần với giá rất cao.

Ví dụ, giá giường nằm dịch vụ thấp nhất 900.000 đồng và cao nhất 4 triệu đồng/một ngày đêm, hay như giá khám bệnh cao hơn nhiều so với những bệnh viện không làm tự chủ. Tất cả những chính sách này dễ mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn nên nó là nguy cơ để lạm dụng.

Thứ 2 là những hướng dẫn của Bộ Y tế chưa cụ thể. Ví dụ, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm giường bệnh được sử dụng làm dịch vụ theo yêu cầu. Nếu bệnh viện có 1.000 giường bệnh thì có thể dành ra 100 giường dịch vụ theo yêu cầu nhưng cũng có thể là 800 giường dịch vụ vì chưa có quy định cụ thể.

Tương tự như vậy là phòng bệnh, tòa nhà, diện tích đất dành cho khu vực khám chữa bệnh dịch vụ. Đặc biệt, nếu bệnh viện tự chủ toàn diện, được xây một tòa nhà riêng để làm dịch vụ theo yêu cẩu thì trong một bệnh viện công lại có 1 tòa nhà của tư nhân, rất dễ xảy ra lợi ích nhóm nếu không được giám sát chặt chẽ.

PV: Vậy cơ quan chức năng cần làm gì để tránh tình trạng doanh nghiệp hóa, tư nhân hóa bệnh viện, thưa ông?

GS Nguyễn Anh Trí: Tôi cho rằng, Bộ Y tế cũng như các Bộ, Ban, Ngành có liên quan phải tiếp tục xây dựng các văn bản quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn đề cho các bệnh viện tự chủ vẫn có phần chính để phục vụ cho đông đảo những người đến khám bệnh bảo hiểm y tế, người nghèo…

Tôi lấy ví dụ với giá dịch vụ được xây dựng cao như hiện nay thì nguy cơ bệnh viện đó sử dụng nhiều cơ sở vật chất như đất đai để xây dựng nhà, phòng làm việc cho đến trang thiết bị để làm dịch vụ mang lại nhiều quyền lợi, thì cần phải có một quy định một tỉ lệ bao nhiêu phần trăm từ đất đai, số lượng phòng bệnh, diện tích phòng là bao nhiêu, đặc biệt số giường được kê tại bệnh viên được sử dụng làm dịch vụ là bao nhiêu.

Tôi cho rằng tỷ lệ để làm dịch vụ theo yêu cầu chỉ tối đa 15 % thôi. Còn lại chủ yếu vẫn phải phục vụ cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, bệnh nhân nghèo vì đây là các bệnh viện công lập tuyến cuối, bệnh viện đặc biệt chữa những ca bệnh khó, không thể kê giường làm dịch vụ tràn lan. Tiếp đến phải xây dựng được bảng giá hợp lý. Thông tư của Bộ Y tế mới chỉ là hướng dẫn thôi, nhưng từng bệnh viện phải xây dựng bảng giá và bảng giá này phải được tư vấn và theo định mức quy định của Bộ Tài chính, tránh tình trạng vận dụng mức tối đa.

Tiếp theo là phải có cơ chế giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các Bệnh viện. Bởi khi có lợi, có thể vô tình hoặc cố ý các bệnh viện công lập quên mất quyền lợi của người nghèo, dẫn đến tư nhân hóa bệnh viện và nguy cơ hiện hữu là quyền lợi của người khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế bị tước đoạt./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Cùng loạt bài:

Văn Hải/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lam-gi-de-benh-vien-cong-khong-bi-tu-nhan-hoa-975579.vov