Làm gì để bảo vệ cơ thể khỏi viêm gan B?

Khi mắc viêm gan B, người bệnh sẽ phải sống chung với virus suốt đời. Có đến 80% bệnh nhân ung thư gan do tiến triển từ viêm gan B.

Viêm gan B diễn tiến rất âm thầm, là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, ung thư gan.

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Một virus được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mạn tính. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số. Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan.

Triệu chứng không rõ ràng

Theo các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết.

2 dạng Viêm gan siêu vi B:

Viêm gan siêu vi B cấp: Được định nghĩa khi các biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và sự tồn tại của virus diễn ra và kết thúc trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus. Một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến viêm gan B mạn tính.

Viêm gan siêu vi B mạn: Các biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và sự tồn tại của virus diễn ra và kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn thì được coi là mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Lúc này virus không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể bệnh nhân.

Giai đoạn cấp tính: Bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau vùng gan, nổi mề đay, phát ban, viêm khớp. Sau đó có thể diễn tiến đến vàng da, vàng mắt, gan to gây đau... nếu bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến suy gan cấp với biểu hiện: rối loạn đông máu (xuất huyết da niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê). Thông thường các triệu chứng sẽ giảm dần trong 1-2 tháng. Một số bệnh nhân có thể bị vàng da kéo dài nhưng không quá 6 tháng.

Giai đoạn mạn tính: Thường không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, bệnh nhân có thể có các biểu hiện: mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da nhẹ... hoặc không biểu hiện triệu chứng. Nhưng sau nhiều năm bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng của xơ gan: phù chân, báng bụng, xuất huyết da niêm mạc bất thường... hoặc diễn tiến thành ung thư gan.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa tốt nhất

Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B, do đó tiêm vaccine ngừa sớm là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Tổ chức WHO khuyến cáo cần tiêm vaccine phòng viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu) sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80–95%.

Liều thứ 2, 3, 4 có thể tiêm với vaccine phối hợp chứa thành phần viêm gan B (vaccine 6 trong 1 hoặc vaccine 5 trong 1) bắt đầu tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 1 tháng.

Nếu tiêm muộn hơn 24 giờ sau sinh, hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Ở người lớn chưa có kháng thể với viêm gan B (AntiHBs âm tính), sẽ được tiêm vaccine viêm gan B 3 mũi theo trình tự 1 - 2 - 3, trong đó mũi 2 cách mũi đầu 2 tháng và mũi 3 cách mũi đầu 3 tháng.

Có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 5, 10 năm hoặc khi xét nghiệm không thấy còn kháng thể.

Ngoài ra, để phòng tránh viêm gan B cần quan hệ tình dục an toàn, dùng bao cao su để tránh lây bệnh; không dùng chung bơm kim tiêm; không xăm hình, làm răng, xăm mắt, môi tại những nơi không đảm bảo điều kiện vô trùng dụng cụ; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như bàn chải đánh răng...

Thúy Hà

Thúy Hà

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/lam-gi-de-bao-ve-co-the-khoi-viem-gan-b-post105978.html