Làm đường truyền tải, khó bàn giao cho EVN: Giải pháp nào?

Cần vay tiền tư nhân làm dự án truyền tải theo hướng đấu thầu dự án để bảo đảm minh bạch chi phí.

Ngày 27/11, tại Hội thảo quốc tế về “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn”, một nhà đầu tư nêu lên thực trạng doanh nghiệp tư nhân tự bỏ tiền làm hệ thống truyền tải 20-30 km đấu nối từ nhà máy điện lên lưới điện quốc gia nhưng khó bàn giao lại cho EVN.

Về vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề của hợp đồng và yêu cầu tách bạch chi phí để dễ dàng bàn giao.

Dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận. Ảnh: VnE

Dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận. Ảnh: VnE

Xét về nguyên tắc, TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho rằng, vướng mắc chính đang nằm ở các quy định của pháp luật chưa được thay đổi.

Vị chuyên gia cho biết, việc xây dựng lưới truyền tải vẫn sử dụng vốn Nhà nước và Luật Điện lực quy định truyền tải là độc quyền nhà nước, nếu cho tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải thì phải sửa luật. Chưa kể, nếu xây dựng đường dây 500kV thì phải được Quốc hội thông qua.

Trong khi chờ Quốc hội xem xét sửa luật thì Nhà nước vẫn cần nguồn lực tập trung xây dựng lưới truyền tải. Nhưng xây dựng lưới truyền tải cũng phải mất nhiều năm và cần nguồn đầu tư rất lớn.

Trước thực tế đó, Chính phủ đang có hướng huy động tư nhân bỏ tiền đầu tư đường truyền tải điện và chi phí được tính vào công trình. Tuy nhiên, nếu chi phí xây dựng đường truyền tải được tính vào công trình sẽ dẫn tới hệ lụy làm đẩy giá điện năng lượng tái tạo lên cao hơn.

Vì lẽ này, mới đây Bộ Công thương đã trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp đường dây truyền tải do tư nhân làm vào quy hoạch điện quốc gia.

Mục đích là ủng hộ tư nhân bỏ tiền làm đường truyền tải điện nhưng theo hướng sau khi xây dựng xong sẽ bàn giao lại cho EVN. EVN tiếp nhận thì sẽ phải trả lại số tiền tư nhân đã bỏ ra đầu tư vào dự án.

Theo vị chuyên gia, vấn đề ở đây là hợp đồng thỏa thuận giữa EVN và nhà đầu tư tư nhân, Chính phủ không can thiệp.

Tức là, cách thức bàn giao sẽ do EVN và nhà đầu tư tư nhân tự thỏa thuận, quyết định.

"Vướng mắc nhà đầu tư tư nhân nêu là đúng nhưng dựa trên nguyên tắc EVN cũng không sai.

Yêu cầu tách bạch chi phí đầu tư của EVN là hợp lý nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch về chi phí, tránh dự án bị đội giá, EVN chịu thiệt", TS Ngô Đức Lâm nhận định.

Không giao thẳng mà vay làm dự án

Nhìn nhận từ góc độ cá nhân, vị chuyên gia năng lượng không ủng hộ chủ trương sửa luật. Nhưng để mở ra hướng xử lý khi Bộ Công thương đã có ý ủng hộ tư nhân làm đường truyền tải thì nên thực hiện theo hình thức vay tiền của tư nhân.

Theo vị chuyên gia, nếu thực hiện theo cách này sẽ không phải sửa luật mà ngành công thương vẫn bảo đảm được hút được nguồn lực đầu tư từ tư nhân vào xây dựng đường truyền tải điện.

Việc này phải được quy định rõ ngay từ đầu, thể hiện từ hợp đồng cam kết giữa hai bên rất cụ thể, chặt chẽ. Hình thức vay có thể là vay thẳng để làm dự án cũng có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư tư nhân làm dự án sau đó bán lại cho EVN.

Thừa điện, thiếu đường dây:Độc quyền nhà nước thành độc quyền DN

Vị chuyên gia nhấn mạnh quan điểm không đồng ý sửa luật vì ông lo ngại an ninh truyền tải không chỉ là an ninh của ngành điện mà là an ninh quốc gia, việc giao cho tư nhân sẽ rất khó quản lý. Một là có thể lại dẫn tới sự bùng nổ các dự án truyền tải giống như sự bùng nổ của đầu tư điện mặt trời.

Hai là, để tư nhân tự làm sau đó bàn giao lại cho EVN với giá nào? Có câu chuyện bàn giao bao nhiêu, EVN phải nhận lại bấy nhiêu không?

Vì thế, khi thực hiện vay tiền tư nhân dự án sẽ được đấu thầu, khi đó giá cả, chi phí đều được minh bạch, dễ dàng quản lý hơn.

"Làm như vậy tư nhân vẫn thực hiện được dự án truyền tải, EVN sẵn sàng tiếp nhận mà vẫn bảo đảm được Luật điện lực là nhà nước phải nắm cầu dao truyền tải, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia", TS Ngô Đức Lâm nói.

Cuối cùng, vị chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là cần phải có quy hoạch và luật về năng lượng tái tạo.

Nếu có quy hoạch và Luật sẽ không có chuyện điện mặt trời bùng nổ, đường truyền tải điện quá tải, mà cơ quan quản lý chưa xử lý được.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/lam-duong-truyen-tai-kho-ban-giao-cho-evn-giai-phap-nao-3392265/