Làm đường sắt cao tốc: Nếu vẫn nhập công nghệ...

Chúng ta chưa sẵn sàng các điều kiện. Có mấy nhà máy đóng toa tàu đến bao giờ đóng được các toa tàu tốc độ cao 200-300km?

Sáng 19/7, hội thảo giải pháp công nghệ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã diễn ra.

Một tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới. (Nguồn: Texas Central)

Một tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới. (Nguồn: Texas Central)

Theo tường thuật của VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trình bày phương án xây dựng đường sắt mới phục vụ tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ tối đa 320km/h, tổng diện tích đất khoảng 9.834ha.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD, suất đầu tư 38 triệu USD/km. Dự án chia làm hai giai đoạn thực hiện, giai đoạn đầu nguồn vốn dự kiến khoảng 24,714 tỷ USD. Giai đoạn 2 là 33,998 tỷ USD. Vốn nhà nước chiếm 80% dự án, tư nhân 20%.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc đầu tư dự án không làm vượt trần nợ công.

Nếu còn nhập khẩu công nghệ

Nêu quan điểm, Thứ trưởng Bộ KHĐT Vũ Đại Thắng cho rằng, đây là phương án được Bộ GTVT trình ra, tuy nhiên, Bộ KHĐT cần làm rõ các kịch bản phát triển chứ không thể làm ngay phương án phát triển tốc độ cao được.

Trên cơ sở xem xét, Bộ KHĐT đánh giá kịch bản thấp hơn thì khả thi về nguồn vốn và trần nợ công.

Vì vậy Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ là Hội đồng thẩm định cần xem xét lại các kịch bản phát triển để đưa ra quyết định cuối cùng. Các kịch bản này dựa trên công nghệ, tốc độ.

Đứng về mặt kinh tế, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, so với giai đoạn 2010 GDP 120 tỷ USD nay 250 tỷ USD; nợ công đến giờ mặc dù có giảm nhưng còn cao thì tổng mức đầu tư 58 tỷ USD, bằng ¼ GDP, vẫn chiếm một tỉ trọng rất lớn.

Còn về mặt trình độ kỹ thuật, ông cảnh báo: “Chúng ta vẫn nhập khẩu công nghệ, chỉ có sắt thép, xi măng, con người là có sẵn. Chúng ta chưa sẵn sàng các điều kiện. Có mấy nhà máy đóng toa tàu đến bao giờ đóng được các toa tàu tốc độ cao 200-300km?”.

Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội đang rất mong phát triển hệ thống đường sắt đô thị và đã quy hoạch 8 tuyến nhưng mỗi dự án một loại công nghệ.

“Như Hà Nội có tuyến Cát Linh - Hà Đông dùng công nghệ Trung Quốc, Nam Thăng Long của Nhật, Nhổn của Pháp. 3 tuyến độc lập hoàn toàn, tàu tuyến này không chạy tuyến kia được, bảo dưỡng cũng khác nhau.

Với sự khác nhau như thế không sử dụng hạ tầng chung được, mỗi ông duy tu, bảo dưỡng riêng. Với cách như vậy làm đường sắt tốc độ cao thì chúng ta phải xem xét công nghệ rất nghiêm túc và kỹ lưỡng”, Thứ trưởng KHĐT lưu ý.

Từ những nhận định trên, ông Thắng cho rằng nếu chọn tốc độ cao 350km/h, chạy riêng chở khách thì chi phí rất lớn. Nếu chọn mức độ thấp kết hợp chở khách và chở hàng, một số nước thành công không cần tốc độ cao trên 200km/h mà vẫn đáp ứng được yêu cầu.

Đường sắt cao tốc chênh 32 tỷ USD: Chuyên gia nói gì?

Dự kiến trình Quốc hội tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vào năm 2020

Về quy trình thực hiện, Bộ KHĐT cho biết, theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014, thời gian thẩm định của Nhà nước là 90 ngày và thời gian Chính phủ trình đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ hợp Quốc hội.

Cũng theo Bộ KHĐT, đây là dự án phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau và phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra nên thời gian thẩm định sẽ phải kéo dài hơn, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5/2020.

Trong quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ nghiên cứu hồ sơ dự án, ý kiến thẩm tra của tư vấn, ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến phản biện của xã hội để có đánh giá khách quan nhất về các phương án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khi hồ sơ dự án đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Trước đó, ngày 11/7, Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/lam-duong-sat-cao-toc-neu-van-nhap-cong-nghe-3384084/