Lạm dụng xe ưu tiên là hành vi trục lợi

Theo tôi, xe hộ đê chỉ được phép sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp về hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do cấp có thẩm quyền cấp phép.

Xe Lexus biển trắng 29A-127.27 qua trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh chụp màn hình do camera ghi lại)

Tuy nhiên, đáng tiếc, vì mục đích khác, một số tổ chức, cá nhân đã lạm dụng phù hiệu “xe hộ đê” lưu thông xe trái với quy định. Thời tiết đang ở trạng thái bình thường, không có sự cố thiên tai, song trên các cung đường vẫn bắt gặp những chiếc xe biển xanh, biển trắng, kể cả xe con, xe du lịch dán trên kính lái phù hiệu “xe hộ đê” nhằm miễn phí đường bộ, cầu phà.

Xe ưu tiên được hưởng rất nhiều “đặc quyền, đặc lợi”. Ngoài việc không phải đóng phí đường bộ, loại xe này còn được đi ngược chiều đường, đi vào đường cấm, được chạy quá tốc độ. Lực lượng chức năng cũng hạn chế kiểm tra để tránh ảnh hưởng đến việc đi làm nhiệm vụ của họ. Với mức độ quan trọng như vậy nhưng lại được cấp cho các đối tượng không quan trọng.

Việc “tràn ngập” dòng xe ưu tiên này phải chăng xuất phát từ buông lỏng quản lý, khiến cho việc lạm dụng chức năng nhiệm vụ của nó tồn tại từ nhiều năm nay, làm giảm đi vai trò, quyền hạn cũng như trách nhiệm của xe hộ đê, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Trong khi đó, các đơn vị chức năng như: CSGT, thanh tra giao thông và các trạm thu phí lại vì tâm lý cả nể mà “lặng lẽ” cho qua. Thậm chí, có trường hợp còn chẳng cần yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ chứng minh việc sử dụng xe hộ đê như lệnh điều xe, giấy giới thiệu của cơ quan quản lý, giấy công tác, bởi có hỏi cũng lại lâm vào thế rất “khó xử”.

Nguyên nhân của thực trạng này do việc cấp phù hiệu “xe hộ đê” đang tồn tại những lỗ hổng, còn chung chung nên những người có thẩm quyền cấp phát biển loại này tha hồ mà “ban phát”. Chẳng hạn, phù hiệu “xe hộ đê” có giá trị trong vòng 1 năm, nhưng trong quy định lại không nói khi nào xe có biển này được đeo biển và được hưởng ưu tiên. Như thế, đương nhiên bất kỳ khi nào cũng có thể đeo biển để giành lợi thế cho mình.

Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì bị coi là phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Ở một giới hạn cần thiết, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ hành vi trục lợi của những người được giao thẩm quyền cấp phát loại biển đặc biệt này.

Xe hộ đê thuộc đối tượng xe ưu tiên nhưng được cấp không đúng đối tượng là hành vi sai trái. Vi phạm này hoàn toàn mang tính chất chủ quan của người quản lý và người sử dụng. Vì vậy, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả để xem xét xử lý người có thẩm quyền.

Thứ hai, về phía chủ phương tiện biết rõ mình không thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn xin cấp và sử dụng loại biển xe này, rõ ràng làm có mục đích trốn vé đường, giành các quyền ưu tiên, tạo sự bất bình đẳng cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Khi chứng minh được thiệt hại về vật chất, tùy theo mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý vi phạm pháp luật hình sự.

Luật sư Hoàng Văn HướngTrưởng Văn phòng Luật Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội

Trần Duy (Ghi)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lam-dung-xe-uu-tien-la-hanh-vi-truc-loi-d272953.html