Lạm dụng truyền dịch, xem nhẹ mạng sống

Mệt, không ăn uống được xin truyền dịch. Sốt muốn hạ nhanh cần truyền dịch... Nhiều người đang không hiểu tác dụng của truyền dịch nên đã tự ý truyền dịch tại nhà dẫn đến hậu quả. Đã có trường hợp tử vong khi đang truyền dịch.

Lạm dụng truyền dịch nguy hiểm đến tính mạng

Lạm dụng truyền dịch nguy hiểm đến tính mạng

Mất mạng vì truyền dịch

Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa cấp cứu cho bệnh nhân Vũ Thị Bai (56 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ III, tiên lượng nặng. Trước đó, bà Bai tự mua 1 chai dịch và nhờ người truyền hộ. Sau khi cắm kim truyền được khoảng 10 phút, bà Bai thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run.

Gia đình vội vàng rút kim truyền và ngay lập tức đưa bà Bai đi cấp cứu. Các bác sĩ bệnh viện đã tiến hành cấp cứu cho người bệnh: Xử trí sốc phản vệ, thở oxy, truyền dịch cho người bệnh. Hiện tại sau 2 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định.

Đây không phải trường hợp nguy kịch do truyền dịch tại nhà. Đã có cả những ca tử vong do tự truyền dịch nhưng người bệnh vẫn "làm ngơ".

Hội chứng: Mệt là truyền dịch

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) - chia sẻ: Đúng là hiện nay nhiều người đang lạm dụng truyền dịch, đặc biệt là tuyến dưới, chưa nói đến truyền dịch tại gia đình.

Việc lạm dụng dịch truyền cũng xuất phát từ phía người bệnh. Khi vào viện thấy bệnh nhân bên cạnh truyền dịch cũng đòi truyền vì họ quan niệm truyền dịch là hết mệt, dịch truyền không hại cho sức khỏe, ai cũng truyền được.

Một khía cạnh khác, nhiều nhân viên y tế tuyến dưới cũng lạm dụng dịch truyền. Khi bệnh nhân vào viện việc đầu tiên là cứ truyền cho họ chai nước rồi làm gì thì làm tiếp.

PGS.TS Dũng phân tích, về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể lạm dụng. Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ…

Bệnh nhân mất nước cần bù lượng dịch đã mất ở một số bệnh như tiêu chảy, bệnh nhân bị bỏng nặng, bệnh nhân sốt cao mất nước… Bệnh nhân ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa và một số trường hợp đặc biệt có chỉ định của bác sỹ. Mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể đã bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể.

Nếu truyền dịch đúng thì tốt cho sức khỏe nhưng nếu sai nguyên tắc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi sử dụng dịch truyền để truyền cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải lưu ý nguy cơ bệnh nhân có thể bị sốc. Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể sẽ bị tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, truyền dịch cũng như các loại thuốc khác cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Người bệnh không nên lạm dụng dịch truyền.

LH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/lam-dung-truyen-dich-xem-nhe-mang-song-633412.ldo