Lạm dụng thuốc nhỏ mũi: Con dao hai lưỡi

Trẻ con hắt hơi, sổ mũi là chuyện thường ngày. Thế nhưng, muốn trị căn bệnh 'thường ngày' này lại không hề đơn giản. Riêng chuyện nhỏ mũi cho trẻ như thế nào, có nên rửa mũi cho trẻ thường xuyên hay không… đã gây nên những 'cơn bão' tranh luận trên các diễn đàn mạng.

(GD&TĐ) - Trẻ con hắt hơi, sổ mũi là chuyện thường ngày. Thế nhưng, muốn trị căn bệnh “thường ngày” này lại không hề đơn giản. Riêng chuyện nhỏ mũi cho trẻ như thế nào, có nên rửa mũi cho trẻ thường xuyên hay không… đã gây nên những “cơn bão” tranh luận trên các diễn đàn mạng.

Rửa mũi thường xuyên: Nên hay không?

Chị Hà (phố Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) băn khoăn: “Con tôi bị viêm mũi dị ứng, viêm VA thường xuyên nên cứ thay đổi thời tiết hay trời lạnh là sụt sịt. Từ trước đến nay, tôi vẫn nghe theo lời khuyên của bác sĩ tư mà tôi thường xuyên đưa cháu đến khám: Cứ khi nào cháu sổ mũi thì phải dùng xi-lanh bơm thật mạnh nước muối sinh lý vào một bên lỗ mũi, để nước muối mang theo dịch mũi chảy sang lỗ mũi bên kia. Thế nhưng, gần đây, do cháu khò khè nên tôi cho con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám và chụp phổi thì bác sĩ ở đây lại nói: Tuyệt đối không được rửa mũi cho trẻ như vậy. Tôi không biết nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ nào?”.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Điệp – Nguyên Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết - Không nên sử dụng xi-lanh đưa nước vào khoang mũi, vì nếu làm không đúng sẽ rất nguy hiểm, có thể làm trẻ sặc và nước sẽ tràn vào màng phổi.

Không chỉ dùng xi-lanh để rửa mũi cho trẻ, nhiều bà mẹ còn rửa mũi cho con quá nhiều lần trong ngày, đến 4 – 5 lần. Điều này, dưới góc nhìn của chuyên gia y tế, cũng không tốt. Bác sĩ Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhày tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhày này có tác dụng tạo độ ẩm và ngăn chặn bụi bẩn, nên nếu mất đi, trẻ càng dễ bị khô mũi và nhiễm khuẩn mũi.

Bên cạnh đó, dụng cụ hút mũi cũng là thứ không thể thiếu trong nhiều gia đình. Chị Thúy Hằng, công tác tại Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG, cho biết, con chị cũng hay bị sụt sịt khi trái gió trở trời, cháu lại còn nhỏ chưa biết xỉ mũi, nên chị thường xuyên dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch mũi cho con. Cách làm của chị là xịt 3 – 4 nhát nước muối biển sâu vào mỗi bên hốc mũi của trẻ, dùng ngón tay day nhẹ nhàng bên mũi đó, rồi dùng dụng cụ hút sạch mũi. Sau khi đã hết mũi, chị lại xịt nước muối biển vào hai bên mũi của con.

Hãy thận trọng khi dùng dụng cụ hút mũi cho trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Điệp, việc làm sạch mũi cho bé thường xuyên khi bé bị chảy nước mũi là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, niêm mạc mũi của trẻ rất mỏng manh, dễ chảy máu và dễ bị kích thích, nên nếu sử dụng dụng cụ hút mũi không cẩn thận, các bậc phụ huynh có thể làm cho tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm. Đặc biệt, nếu ấn sâu đầu hút vào trong mũi trẻ, hút mũi trong trường hợp trẻ giãy giụa, không hợp tác có thể làm tổn thương mũi trẻ.

Mặt khác, khi dùng dụng cụ hút mũi, cần chú ý vệ sinh thật sạch sau mỗi lần sử dụng, nếu không những vi khuẩn còn tồn tại trong dụng cụ, nhất là vòi hút, sẽ sinh sôi nảy nở, từ đó xâm nhập vào mũi trẻ trong những lần sử dụng sau.

Sai lầm của cha mẹ

Một sai lầm khác của các ông bố bà mẹ khi điều trị sổ mũi cho trẻ là lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi không theo chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có chứa corticoid, kháng sinh… Chị Hà được người bạn mách là thuốc kháng viêm corticoid có tác dụng rất tốt với những trường hợp dị ứng (trong đó có viêm mũi dị ứng) nên mỗi khi con chị chảy mũi nhiều, chị lại cho con nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý pha với thuốc kháng viêm Polydexa.

Tiến sĩ Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương – cho rằng, những thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid chỉ được dùng dưới 7 ngày, và nhất định phải theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc coricoid tại chỗ tuy chỉ có khoảng 2% hấp thu vào máu nhưng nếu không được điều trị đúng phương pháp sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như ức chế vỏ thượng thận tiết hormon làm teo vỏ thượng thận, tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết…

Đặc biệt, khi sử dụng thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid, tuyệt đối không được dùng khi có các tổn thương khu trú ở mũi vì tác dụng ức chế sự lành vết thương của corticoid.

Hãy cho con đi khám bác sĩ

Đó là lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Hồng Điệp tới các bậc phụ huynh. Cha mẹ hãy cho con đi khám ngay từ khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe để bác sĩ kịp thời có chỉ định điều trị phù hợp. Đặc biệt, đừng quên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ vì đối với trẻ em, bác sĩ thường cho những đơn thuốc ngắn ngày, hẹn tái khám sau vài ngày để nắm bắt xem trẻ có đáp ứng với thuốc không, đơn thuốc đó đã chính xác chưa, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Tiến sĩ Phạm Thị Bích Đào tư vấn: Cần điều trị sớm viêm nhiễm tại mũi họng bằng cách phát hiện sớm biểu hiện bệnh. Có một số trẻ mũi chảy thẳng xuống họng chứ không chảy ra đằng mũi, nên nếu những trẻ này không được phát hiện bệnh kịp thời sẽ dễ tiến triển thành viêm họng, viêm thanh quản, khí phế quản…

Một số biểu hiện viêm mũi ở trẻ

Dù trẻ không bị chảy nước mũi, nhưng nếu thấy trẻ thở to hơn bình thường trong khi ngủ, đôi khi phải há mồm thở và sáng ngủ dậy hay ho húng hắng, cha mẹ hãy cho trẻ đi khám ngay để kịp thời phát hiện viêm mũi ở trẻ.

Hạnh Chi (Tổng hợp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2785/201305/Lam-dung-thuoc-nho-mui-Con-dao-hai-luoi-1969049/