Lạm dụng thuốc giảm đau acetaminophen có thể dẫn đến tăng huyết áp

Acetaminophen (tylenol) có thể rất hữu ích đối với các cơn đau từ nhẹ đến vừa như đau đầu, nhưng sử dụng thuốc này để giảm đau lâu dài có thể gây rủi ro cho những người bị tăng huyết áp. Một thử nghiệm lâm sàng mới đây của các nhà khoa học Hoa Kỳ cho thấy.

1.Acetaminophen có thể làm tăng huyết áp

Nội dung

1.Acetaminophen có thể làm tăng huyết áp
2.Tác động của tăng huyết áp đối với cơ thể bạn ra sao?
3.Acetaminophen là thuốc gì?
4.Tác dụng của acetaminophen
5.Làm thế nào để giảm nhanh cơn sốt hoặc đau đầu và dùng thuốc an toàn?

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên sử dụng acetaminophen có nguy cơ bị tăng huyết áp. Nhưng những nghiên cứu đó không chứng minh được thuốc là nguyên nhân gây bệnh. Tiến sĩ David Webb, Đại học Edinburgh ở Scotland, tác giả nghiên cứu cho biết.

Vì vậy, nhóm của Webb đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng trực tiếp kiểm tra tác động của acetaminophen đối với huyết áp của mọi người. Nhóm đã tuyển chọn 110 bệnh nhân bị huyết áp cao và chỉ định ngẫu nhiên cho họ uống acetaminophen hoặc giả dược mỗi ngày trong hai tuần. Sau đó theo dõi trong hai tuần. Tiếp theo các nhà nghiên cứu lại cho những người dùng giả dược được chuyển sang dùng thuốc acetaminophen, và những người trong nhóm dùng acetaminophen sang dùng giả dược trong hai tuần.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sau hơn hai tuần sử dụng, huyết áp của những người tham gia tăng 5 điểm khi họ dùng acetaminophen so với giả dược. Thuốc giảm đau acetaminophen đã khiến huyết áp tăng lên ở những người bị tăng huyết áp, cho dù họ có đang dùng thuốc giảm huyết áp hay không.

Tiến sĩ Donald Lloyd-Jones, chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết: Sự gia tăng huyết áp được thấy trong thử nghiệm này của acetaminophen là đáng lo ngại, đặc biệt ở những người bị huyết áp cao.

Acetaminophen là một thuốc hạ sốt giảm đau rất thông dụng.

Acetaminophen là một thuốc hạ sốt giảm đau rất thông dụng.

Các phát hiện được công bố mới đây trên tạp chí Circulation, củng cố thêm bằng chứng cho thấy acetaminophen có thể làm tăng huyết áp khi dùng thường xuyên.

2.Tác động của tăng huyết áp đối với cơ thể bạn ra sao?

Huyết áp cao (tăng huyết áp) có thể âm thầm làm tổn thương cơ thể trong nhiều năm trước khi các triệu chứng phát triển. Huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến tàn tật, chất lượng cuộc sống kém, hoặc thậm chí là một cơn đau tim hoặc đột quỵ chết người. Cụ thể:

2.1 Thiệt hại cho động mạch:

Các động mạch khỏe mạnh linh hoạt, mạnh mẽ và đàn hồi. Lớp lót bên trong của chúng trơn nhẵn để máu lưu thông tự do, cung cấp cho các cơ quan và mô quan trọng với chất dinh dưỡng và oxy.

Huyết áp cao làm tăng dần áp lực của máu chảy qua các động mạch, có thể gây ra tổn thương và thu hẹp động mạch, phình mạch...

2.2 Thiệt hại cho trái tim:

Huyết áp cao có thể gây ra nhiều vấn đề về tim, bao gồm: Bệnh động mạch vành, đau tim, suy tim...

2.3 Thiệt hại cho não:

Bộ não phụ thuộc vào nguồn cung cấp máu nuôi dưỡng để hoạt động bình thường. Huyết áp cao có thể gây cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua -TIA (TIA là một sự gián đoạn ngắn, tạm thời của việc cung cấp máu cho não. Các động mạch cứng hoặc cục máu đông do huyết áp cao có thể gây ra TIA . TIA thường là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ toàn phát); đột quỵ, chứng mất trí nhớ, suy giảm nhận thức mức độ nhẹ...

3. Acetaminophen là thuốc gì?

Acetaminophen (hay N - acetyl - p - aminophenol) là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, còn có tên gọi khác là paracetamol. Đây là một loại thuốc rất phổ biến và quen thuộc, thuộc nhóm thuốc giảm đau và hạ sốt.

Acetaminophen được tìm thấy trong nhiều loại thuốc, nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất là thành phần hoạt tính trong tylenol.

4. Tác dụng của acetaminophen

Acetaminophen có tác dụng hạ sốt, giảm đau; được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa, bao gồm: Nhức đầu, đau cơ, viêm khớp, đau lưng, đau răng, đau họng, cảm lạnh, cúm và sốt…

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng acetaminophen như: Ban da, buồn nôn, nôn, rối loạn tạo máu, thiếu máu, độc tính thận, độc tính gan...

5. Làm thế nào để giảm nhanh cơn sốt hoặc đau đầu và dùng thuốc an toàn?

Các loại thuốc giảm đau thông thường khác - thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen - đã được biết là làm tăng huyết áp và có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ khi sử dụng lâu dài.

Theo TS Webb, tại thời điểm này, mới chỉ phát hiện acetaminophen làm tăng huyết áp mà vẫn chưa rõ chúng có thể mang lại những nguy cơ lâu dài về bệnh tim hoặc đột quỵ hay không. Vì vậy, acetaminophen vẫn là một lựa chọn an toàn hơn NSAID. Vì đối với các thuốc NSAID, ngoài việc có thể gây đau tim, đột quỵ còn có nhiều khả năng gây ra rối loạn tiêu hóa và xuất huyết.

NSAID có thể được ưu tiên hơn khi bệnh nhân cần thuốc chống viêm, còn acetaminophen thì không. Vì vậy, mọi người nên thảo luận về tất cả các lựa chọn điều trị cơn đau của họ với bác sĩ để được dùng thuốc phù hợp.

TS Fonarow cho biết, việc sử dụng acetaminophen trong thời gian ngắn, không liên tục, dùng đúng liều chỉ định thì không lo ngại. Nếu acetaminophen là lựa chọn để giảm đau lâu dài, hãy bắt đầu với liều lượng thấp và không cao hơn mức cần thiết để giảm đau.

TS Fonarow, chuyên khoa tim mạch tại Đại học California, Los Angeles cho biết, nếu phải sử dụng acetaminophen lâu dài, mọi người nên theo dõi chỉ số huyết áp của mình - ngay cả khi họ không bị huyết áp cao.

Các bác sĩ nên hỏi bệnh nhân về việc sử dụng acetaminophen và các loại thuốc khác bất cứ khi nào huyết áp của họ khó kiểm soát. Nếu bệnh nhân cần dùng acetaminophen để giảm đau mãn tính, huyết áp của họ nên được theo dõi cẩn thận. Cần phát hiện sớm bất kỳ sự thay đổi huyết áp nào để có thể có những phản ứng phù hợp. TS Lloyd-Jones khuyến cáo.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Nguyễn Thị Bích Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//lam-dung-thuoc-giam-dau-acetaminophen-co-the-dan-den-tang-huyet-ap-169220213092826468.htm